Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

GỬI TUỔI TRẺ (II)



          Số người phản đối bài “Gửi Tuổi Trẻ” không nhiều như tôi tiên liệu. Khi xưa, làm báo Nhà nước, đương đầu với ban biên tập với tuyên giáo để đưa được những điều mà mình tin là sự thật đến với người đọc. Giờ đây, khi viết blog, cũng không phải là không có những e ngại khi nói ra những điều mình nghĩ khác với cách nghĩ, mà báo Tuổi Trẻ cho biết, là của số đông.

          Nhưng, có lẽ do tôi khá vội - “Gửi Tuổi Trẻ” được viết lúc 0 giờ ngày 23-10-2011 ngay sau khi đọc bài “Tinh thần Đinh La Thăng” và sau một ngày dài khá mệt - nên trong số hơn 300 phản hồi của ngày đầu tiên trên Anhbasam và trên facebook.com/Osinhuyduc, cả ý kiến phản đối hay ủng hộ, đều không có nhiều người bàn ý chính mà tôi muốn nói: Một nhà nước chỉ có thể được coi là có pháp quyền khi luật pháp và các hành vi nhà nước bảo vệ được những người thiểu số, ngay cả trong trường hợp đám đông căm ghét họ.

          Tôi không ngạc nhiên mà chỉ buồn khi Tuổi Trẻ cho đến ngày nay vẫn bày tỏ thái độ với người giàu như thời “đấu tranh giai cấp”. Mâu thuẫn giàu-nghèo là câu chuyện muôn đời. Các nhà nước chân chính đều phải làm những gì tốt nhất để những người kém may mắn không trở thành những người cùng khổ. Nhưng, không thể san bằng khoảng cách giàu nghèo bằng cải cách ruộng đất, bằng cải tạo tư sản và bằng cách kích động lòng căm ghét người giàu. Hãy đọc lại những bài báo được đăng trên Tuổi Trẻ và các báo Sài Gòn, trên các số báo tháng 9-1975 và tháng 3-1978, để thấy rằng, nhiều khi, nhà báo chúng ta đã được tung hô bởi những việc làm rất xấu hổ.

          Sự nghèo khó mà Việt Nam đã từng phải trải qua trong thập niên 1970s và 1980s là do những chính sách của Đảng được báo chí Nhà nước tụng ca nhân danh “ý chí của đại đa số nhân dân”. Vào thời điểm đó không phải là không có những người nhận ra nhưng chỉ có một số ít dám lên tiếng và nhanh chóng bị dập tắt. Hãy đọc lại phát biểu của Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn trong Hội nghị Trung ương 25, khóa III, tháng 10-1976: “Nhất thiết phải xóa bỏ giai cấp bóc lột, xóa bỏ sản xuất cá thể, xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Đường lối đó là đường lối của giai cấp công nhân, không được ai chống lại. Ai chống lại là bắt. Đó là chuyên chính”. Khi đọc lại bài phát biểu này tôi cảm nhận được khát vọng nhanh chóng đưa đất nước đi lên của ông Lê Duẩn. Đôi khi, “con đường đi tới địa ngục được đắp bởi những ý định tốt”. Cách duy nhất để tránh là cho dù nhân danh đa số, nhân danh những khát vọng lớn lao, không một ai có quyền đứng trên pháp luật, không một ai có quyền buộc một cá nhân nào đó phải hy sinh những nhu cầu hợp pháp của mình, chỉ vì những người nhân danh số đông không muốn.

          Khi dẫn một vài ví dụ về tennis và golf, tôi muốn nói rằng, chúng ta không thể cấm golf kể cả cấm cán bộ chơi golf, bởi tự thân những môn thể thao này không phải là “tệ nạn”. Câu hỏi “tiền đâu”, nên được đặt với cả tư nhân chứ không chỉ là quan chức. Nên đặt ra với những hành vi tiêu xài khác chứ không chỉ đánh golf. Những tư nhân đang mất khả năng chi trả trước các khoản nợ khổng lồ ở ngân hàng mà mua xe hơi xịn, mua máy bay và tặng bồ những món hàng hiệu hàng chục nghìn USD cũng cần phải được giám sát. Bởi những khoản tiền mất đi khi các tư nhân này phá sản cũng, phần lớn, có nguồn gốc từ tiền Nước, tiền dân. Các quan chức mua nhà mua đất, con cái nay tiệc tùng, mai thay xe cũng cần phải được những tờ báo dấn thân như Tuổi Trẻ điều tra và lần lượt công khai. Lương bộ trưởng mà phải nuôi vợ, nuôi con thì, thưa Tuổi Trẻ, chỉ có thể sắm chiếc xe Wave Alpha mà đi thôi.

          Không ủng hộ cấm chơi golf không có nghĩa là ủng hộ xây dựng sân golf như vừa qua. Tháng 6-1992, tôi đã viết bài trên Tuổi Trẻ, phản đối việc lấy Lâm viên Thủ Đức, nơi được quy hoạch làm rừng phòng hộ, xây dựng sân golf đầu tiên của Việt Nam. Vấn đề chính yếu trong việc xây dựng sân golf, theo tôi, không chỉ là vấn đề môi trường hay quy hoạch mà là Chính quyền đã tiếp tay cho các doanh nghiệp lấy đất của nông dân rồi đền bù cho họ với giá vô cùng rẻ mạt. Điều này xảy ra không chỉ với việc xây dựng sân golf. Nhân danh lợi ích chung, người ta đã đuổi không ít nông dân ra khỏi mảnh đất của cha ông rồi chỉ đền bù với một giá gần như tước đoạt. Đừng theo số đông mà chống những cán bộ đánh golf, Tuổi Trẻ hãy sát cánh với những người nông dân thiểu số, đang lang thang trên đường Võ Thị Sáu, trên đường Lê Duẩn, để bảo vệ những điều cao cả hơn: Quyền thiêng liêng của người dân về tài sản.

          Nếu pháp lý không được lưu ý thì sai lầm mà Tuổi Trẻ có thể mắc phải còn nằm ngay cả những bài báo ít ai để ý như là việc “đánh xe dù”, những tư nhân nhỏ bé bị số đông các hợp tác xã xe bus và xe du lịch tìm cách chèn ép rồi báo chí ném đá thêm. Tuổi Trẻ rất hăng hái ủng hộ các hiệp sỹ mà không đặt vấn đề tính hợp pháp trong những vụ bắt người này. Sự hy sinh của các hiệp sỹ thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng, nếu trong một xã hội mà những người không có thẩm quyền, thấy nghi ai trộm cắp là bắt thì phải được coi là loạn. Công an là cơ quan công lực mà nếu không được giám sát chặt chẽ thì cũng có thể bắt bớ oan sai. Nói chi những người chỉ có lòng tốt mà không được huấn luyện và không được ủy quyền hợp pháp. Kêu gọi người dân không thờ ơ với cái ác, hỗ trợ chính quyền chống tội phạm là cần thiết. Nhưng, khuyến khích họ bắt cướp thì không chỉ đem lại nguy hiểm cho chính họ mà còn đe dọa cả cộng đồng. Chính Tuổi Trẻ cũng biết: Sự hăng hái của đám đông đã từng gây ra những cái chết cho những người vô tội bị nghị là “trộm chó”.

          Trong một xã hội mà pháp quyền chưa có, báo chí lại càng phải đứng về những người thiểu số có ý kiến khác, ngay cả khác với số đông. Không phải tự nhiên mà GS Ngô Bảo Châu, một người được Chế độ khá biệt đãi lại lên tiếng chỉ trích các quan chức chính quyền khi bảo vệ Chế độ trong vụ Cù Huy Hà Vũ theo cách mà Giáo sư cho là “cẩu thả và sợ hãi”. Tuổi Trẻ có thể không đồng quan điểm của Cù Huy Hà Vũ hay với nhiều bloggers khác. Nhưng, nếu muốn xác lập uy tín thực sự trong công luận, không thể không lên tiếng phản đối những quan chức trong hệ thống hành chính cũng như tư pháp đã “cẩu thả và sợ hãi” mỗi khi thi hành công vụ. Cũng như các báo Nhà nước, Tuổi Trẻ không thể thoát khỏi thân phận “báo chí công cụ”.            Nhưng, nếu làm công cụ một cách có trách nhiệm thì không thể nào ủng hộ những hành vi đứng trên pháp luật của chính quyền cho dù những hành vi đó nhắm vào những người Tuổi Trẻ có thể không thích, không đồng tình và Chính quyền thì gọi họ là phản động.

          Thật thú vị khi chính trường có những chính khách như Đinh La Thăng và Vương Đình Huệ. Nếu như Tuổi Trẻ tin rằng các vị bộ trưởng đang mang đến một làn gió mới thay vì PR cho bản thân thì cũng nên ủng hộ bằng những bài báo có suy nghĩ. Làm chính trị giỏi là phải tạo ra cảm hứng cho công chúng. Nhưng niềm cảm hứng ấy phải thông qua những chính sách khả thi của mình chứ không phải trút sự căm hờn lên những người có điều kiện vật chất hơn số đông công chúng. Sau những màn tung hô, người dân sẽ phải chuyển mối quan tâm từ sân golf trở về với việc đi chợ, đón con… Chính họ chứ không phải ai khác sẽ quay lưng với ông Đinh La Thăng nếu như họ vẫn phải ì ạch xê dịch từng mét đường trong tiếng ồn và khói bụi.  

           Sáng nay, nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển cho tôi email của một nữ bạn đọc, chị Dư Khánh Hằng, sau khi đọc bài viết Gửi Tuổi Trẻ, chị nhắc: “Hitler, Mao, Stalin, Pinoche, Hussein, Gaddfi, etc... trước khi cầm quyền luôn được đa số đi theo và ủng hộ. Chỉ vì họ không bảo vệ mà còn tiêu diệt người thiểu số/chống đối cho nên họ đã trở thành độc tài”. Đinh La Thăng có thể chưa trở thành nhà độc tài và mị dân như lo ngại của chị Hằng, nhưng không biết điều gì sẽ xảy ra nếu báo chí tiếp tục nhân danh số đông để bảo vệ những hành vi không hợp pháp. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, thượng tôn pháp luật vẫn là một nguyên tắc bất di, bất dịch. 


OSIN HUY ĐỨC (Facebook)

GỬI TUỔI TRẺ




          Sau khi cho biết đa số ý kiến gửi về Tòa soạn đều ủng hộ việc Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu cán bộ cao cấp trong ngành không được chơi golf, tờ Tuổi Trẻ (thứ Bảy, 22-10-2011) đặt câu hỏi: “Tại sao một văn bản mà thoạt nghe qua có vẻ không ổn về tính pháp lý khi can thiệp đến cả thời gian nghỉ của cán bộ, nhưng lại đón nhận được sự ủng hộ tưng bừng như vậy?”. Rồi, Tuổi Trẻ tự trả lời: “Đó là nhờ bộ trưởng đã gãi trúng chỗ ngứa của mọi người khi có tình trạng một số cán bộ nhà nước ngày càng sống xa hoa, cách biệt”.

          Kết quả thăm dò trên trang mạng VnExpress cho thấy có 60,2% tán thành với lệnh cấm của ông Thăng. Không có gì phải nghi ngờ những đa số ấy. Nhưng, trong một quốc gia mà các nhà lãnh đạo vẫn thường nói đến nhà nước pháp quyền, một tờ nhật báo hàng đầu không thể dùng số đông để ủng hộ một văn bản “thoạt nghe” đã thấy “không ổn về pháp lý”. Lựa chọn cho mình một môn giải trí trong ngày nghỉ là quyền công dân của cán bộ, không ai có thể tước đoạt nó, kể cả dùng “chuyên chế đa số”.

          Nếu có thể chứng minh việc cán bộ chơi golf là nguyên nhân dẫn đến những trì trệ trong ngành giao thông, ông Thăng có thể nhờ Tuổi Trẻ điều tra những cán bộ dùng xe công đi chơi golf trong ngày làm việc. Nếu chơi golf thực sự liên quan đến tham nhũng, ông Thăng có thể phối hợp với Tuổi Trẻ điều tra những người được các sân golf tặng thẻ hội viên; điều tra những người đi chơi golf bằng tiền các doanh nghiệp đang thầu công trình của ngành giao thông vận tải.

          Golf ở Việt Nam chưa phải là một môn giải trí của nhà nghèo. Nhưng, nếu Tuổi Trẻ lên sân golf sẽ thấy người chơi có cả nhà báo và một số giáo viên. Việt Nam đã có kinh tế thị trường, không phải ai có tiền cũng đều do tham nhũng. Tuổi Trẻ viết: “Chơi một bữa golf bằng thu nhập một tháng lương giáo viên, gần bằng thời gian một ca làm việc của công nhân. Điều đó quá xa lạ và phản cảm mà một cán bộ đảng viên không nên làm... Nhìn xa hơn, đó là câu chuyện đạo đức của người cán bộ đảng viên, khi ăn sang mặc đẹp, chơi trò của giới thượng lưu trong lúc đồng bào còn không ít người khốn khó, ngành mình còn quá trì trệ”. Bây giờ không phải là thập niên 1980s, lẽ ra Tuổi Trẻ không nên kích động mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo theo cách hồng vệ binh như thế.

          Cuối thập niên 1970s, giữa một Sài Gòn vẫn còn đói kém, ông Võ Văn Kiệt đã chơi tennis. Nhiều nhà lãnh đạo lúc bấy giờ phê phán ông Kiệt cũng rất nặng lời. Nhưng ông vẫn chơi. Theo ông Kiệt, sau “giải phóng”, cho dù một bộ phận dân chúng vẫn có khả năng tài chánh, nhiều sân tennis ở Sài Gòn chỉ được dùng để phơi củ mì; nhiều người dân treo vợt trên nhà mà không dám ra sân vì không thấy “Việt cộng” chơi, họ sợ. Năm 1994, khi sang thăm Việt Nam, Thủ tướng Thailand Chuan Leekpai đã khá bất ngờ khi thấy ông Thủ tướng Cộng sản cũng chơi tennis, ông bèn cho chuyên cơ trở về Bangkok lấy vợt sang để cuối chiều, sau giờ đàm phán, hai vị thủ tướng, khi ấy chưa thực sự hữu nghị với nhau, ra sân giao hữu.

          Cũng trong năm 1994, khi ông Nguyễn Mạnh Cầm đến Bangkok dự Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN và trả lời: Việt Nam sẵn sàng tham gia tổ chức này, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, ông Badawi đã nói với ông Cầm: “Có hai việc anh phải chuẩn bị trước khi trở thành thành viên ASEAN: nói tiếng Anh và chơi golf”. Về sau khi đã ra sân được rồi, ông Cầm mới thấm thía, có những việc không giải quyết được trên bàn đàm phán nhưng lại xử lý khá nhẹ nhàng trên sân golf. Ông Võ Viết Thanh, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã từng bị phê phán. Nhưng chính trên sân golf, ông Thanh đã chuyển được một số thông điệp ngoại giao tới một số vị nguyên thủ chỉ ghé qua Sài Gòn đánh golf chứ không thăm, làm việc. Cũng trên sân golf, ông Võ Viết Thanh đã từng giao hữu với Tướng Nguyễn Cao Kỳ, người mà chính quyền không muốn đón tiếp một cách chính thức.

          Không phải điều gì được nói trên sân golf cũng đều ích nước. Không thể phủ nhận có “một số cán bộ ngày càng sống xa hoa, cách biệt” với dân. Nhưng, chơi golf chỉ là hệ quả chứ không phải nguyên nhân. Nếu chơi golf đúng là “câu chuyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên”, thì cũng không thể điều chỉnh những điều sai bằng một quyết định “không ổn về pháp lý”.

OSIN HUY ĐỨC (Facebook)

Có Hai Anh Ba Đua


Tạm “ tị nạn rượu “ nằm nhà, chợt nhớ lâu ngày anh em chưa gặp nhau . Gọi điện cho thằng em ruột mời cà phê . Nó cười trong điện thoại: “Ông anh mà cà phê à ?”

Quán lề đường . Thằng bộ đội của năm 1979 giờ thất nghiệp, vợ nuôi. Tôi bảo: “ chú có số “ thân cư thê “ sướng hơn tôi . Thằng em thua tôi 6 tuổi , năm 79 nó ở quận 4. Khi Trung Quốc đánh Việt Nam nó lang bang vào cuộc mít tinh ở ngã tư Hoàng Diệu – Đoàn Nhữ Hài nghe anh Bí thư Quận đoàn 4 đọc một bài hiệu triệu nảy lửa “ đánh cho để răng đen …đánh cho để tóc dài…đánh cho chích phản bất phục hoàn…” gì gì đấy . Sôi máu thanh niên nó về thưa mẹ tôi “ Cho con đi bộ đội”. Nghe kể lại mẹ tôi khi ấy rưng rưng nước mắt: “ Thằng anh mày còn ở bên K chưa về, mày đi có chuyện gì thì mẹ sống với ai …” Nhưng nó cứ đi , đăng ký quân đội .Chuyển quân ra phía bắc. 4 năm sau vác ba lô giải ngũ, đen kịt lầm lì nhưng mẹ tôi hạnh phúc .Hai đứa con trai đều trở về bình an, lành lặn. Tôi đi làm công nhân in 8 năm, nó chạy xe ôm. Khi tôi về Tuổi Trẻ làm báo. Nó vẫn chạy xe ôm , tình thật nó chưa học xong lớp 6.

“ Cái anh đọc diễn văn hiệu triệu hồi ấy tên gì em quên rồi anh nhỉ ? “ Anh Ba Đua – Nguyễn Văn Đua !”- Tôi trả lời , nó là thường dân chả để ý gì đến cán bộ lãnh đạo. Nhưng tôi biết chắc nó vào lính vì lời hiệu triệu chống bọn bành trướng bắc kinh cùa anh ngày ấy.

Anh Ba Đua . Thằng em tôi không biết anh bây giờ làm gì nhưng tôi thì đương nhiên biết. Anh là Phó bí thư thường trực Thành ủy thành phố này . Người không thích thanh niên Sài Gòn xuống đường, không thích cái áo U No – đường lưỡi bò mà ngay đến cả tạp chí Nature nổi tiếng thế giới cũng đã có bài lật tẩy bọn học giả Trung Quốc về cái đường lưỡi bò nhảm nhí ây. Anh không thích những cuộc hội thảo của giới trí thức việt nam về những vấn liên quan đến chủ quyền biển đảo, cho dù hôm nay họ cũng như anh ngày xưa đầy lòng yêu nước. “ Sao lại thế , hồi ấy ổng hùng biện , quyết liệt lắm kia mà . Em sôi máu đi lính vì bài diễn thuyết của Ổng đấy !” Tôi cười buồn , biết giải thích thế nào chuyện “ ổng” nhỉ . Nó hỏi thế anh xuống đường ông Ba Đua có cấm , cản , làm khó gì không ? Mà chẳng lẽ có hai anh Ba Đua . Có đúng là ông Đua ấy không ? .Tôi lại cười buồn: “ Hình như là có hai anh Ba Đua chú ạ!” Nó châm thuốc thắc mắc: “ Vậy nếu anh Ba Đua Quận đoàn 4 hồi đó giờ xuống đường chống ngoại xâm thì sao ? “ . Tôi bật cười thành tiếng “ Thì anh Ba Đua Thành ủy bây giờ sẽ bắt anh Ba Đua Quận đoàn 4 hồi đó chớ sao !”

Buổi cà phê bờ kè dừng ở đấy .Anh em tạm biệt nhau .Nhìn cái bóng khắc khổ của người lính biên giới 1979 năm xưa , thằng em ruột của mình, tôi bỗng khẽ thở dài mà chẳng rõ tại sao mình lại thở dài

Chắc tại buổi chiều Sài Gòn cũng đang sầm cơn mưa lớn.

ĐỖ TRUNG QUÂN  (Facebook)



Lời Cuối Chân Thành





1. Hồi tôi còn rất bé ngồi nghe lóm ba tôi kể cho các chị tôi nghe câu chuyện Vua Mi Đi có tai lừa mà không hiểu làm sao tôi lại nhớ đến bây giờ. Chuyện rằng có ông vua nọ tên là Mi Đi  không biết bị làm sao lại có hai tai lông lá và dài nhọn như hai tai lừa. Vua xấu hổ giấu kín không cho bất kỳ ai biết bằng cách suốt đêm ngày mang vương miện hoặc mang mũ che kín lại. Nhưng giấu cách nào thì cũng phải cho một người biết, đó là anh thợ hớt tóc cung đình vì mỗi tháng vua cũng phải hớt tóc một lần. Dĩ nhiên là vua phải "hợp đồng" trước với anh thợ nầy là giữ bí mật tuyệt đối hoặc bị chém đầu.
Có được cái thông tin quan trọng tột cùng như vậy mà không thông tin lại cho ai quả là một điều khó khăn cùng cực đối với anh thợ hớt tóc. Một ngày kia chịu hết nỗi, anh thợ bèn đi tìm đến một cánh đồng trống hoang vu không một bóng người, chỉ có lau sậy mọc đầy. Tại đây anh hét lên: Vua Mi Đi có tai lừa! Vua Mi Đi có tai lừa!.... Hét thỏa thích đến khan cả giọng rồi anh sung sướng và an tâm trở về. Nào ngờ lau sậy reo vi vu trong gió lại "ghi" được lời anh. Từ đó mỗi khi gió thổi là chúng cứ vi vu phát lại: " Vua Mi Đi có tai lừa! Vua Mi Đi có tai lừa!". Chẳng bao lâu cả kinh thành đều biết chuyện rồi cuối cùng câu chuyện về tai lừa của vua cũng đến tai lừa của vua. Anh thợ hớt tóc bị chém đầu.
Tôi nhớ ba tôi kể chuyện đó cho các chị tôi nghe với ngụ ý  giáo dục rất phù hợp với cái thời Việt Cộng còn chui hầm bí mật ở vùng xôi đậu mà chúng tôi đang sinh sống và cũng phù hợp với tật ngồi lê đôi mách của các chị gái tôi: Chớ có thóc mách mà mất mạng.
Nhưng sau nầy lớn lên nhớ lại câu chuyện trên tôi lại nghiệm ra một ý nghĩa khác. Đó là quyền được thông tin của con người. Anh có thông tin mà  không được nói ra, không truyền lại cho người khác thì đau khổ còn hơn là ăn mà không được ỉa.
Thông tin là những điều anh ghi nhận, thông tin là những điều anh suy nghĩ và thông tin cũng là những cảm xúc của anh bật ra khi tương tác với sự vật hoặc ngoại cảnh. Tùy theo cách diễn đạt để truyền tải mà thông tin ấy có thể là một ký hiệu nguệch ngoạc, có thể là thông báo ngắn gọn, có thể là một bài báo súc tích, có thể là một áng văn trác tuyệt, một bức họa sinh động và có thể là một bài thơ mượt mà hoặc một khúc hát mê li. Nói tóm lại thông tin và việc truyền đi thông tin đã hình thành nên nền văn hóa của nhân loại. Thông tin vừa là nhu cầu bức thiết vừa là điều kiện cơ bản để làm nên con người.

2. Người làm trực tiếp trong ngành báo chí thì khát khao thông tin còn hơn bất kỳ ai. Thế nhưng trong gần hai mươi năm làm báo, thú thực tôi chưa viết được một bài báo nào ra hồn. Tôi phải viết bài ở những lãnh vực tôi không am hiểu hoặc thích thú lắm nên bài vở tầm tầm. Còn lãnh vực tôi thích thú thì phải viết theo quan điểm và lập trường của đảng. Báo của Đảng nên phải thông tin định hướng theo ý Đảng, đó là lẻ đương nhiên. Nếu ai có cùng ý với Đảng thì hẳn sẽ rất hạnh phúc vì sẽ viết được những bài báo hay,  rất thật với lòng mình. Còn tôi thì xin chịu. Tôi có những cảm xúc, những suy nghĩ, những lời tâm sự, những nhận định về thời cuộc, nhận định về lịch sử.... không hiểu sao lại chẳng trùng hợp chút nào với ý Đảng. Ví dụ bài nền tảng đạo lý của hiến pháp cách đây gần 10 năm, nếu viết theo ý mình thì phải nói đến bản tuyên ngôn nhân quyền- dân quyền, nói đến đạo lý truyền thống của dân tộc, thế nhưng phải làm tròn  theo ý đảng là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lê xa lạ mà cái chủ nghĩa ấy thì lúc đó, ngay tại nơi sản sinh ra nó là nước Nga, người ta đang vứt bỏ thì làm sao viết cho ra hồn được.  Đây là dịp cuối cùng trên blog, cho phép tôi được thật lòng.
Thế là tôi tìm đến đám lau sậy của riêng mình để truyền thông tin vào đó. Ban đầu là nhật ký được ghi chết trong ổ nhớ. Viết thoải mái mọi suy nghĩ, mọi cảm xúc, mọi nhận định của mình về thời cuộc, về thế giới, về lãnh đạo, về mọi người chung quanh... hả cả lòng mà chẳng sợ đụng chạm ai. Tuy nhiên thông tin như vậy thì cũng như chẳng có thông tin gì cả, vì bản chất của thông tin là sự lan truyền mà ổ nhớ thì không vi vu lại được như đám lau sậy của anh thợ hớt tóc để tạo ra sự lan truyền.
Rồi internet xuất hiện, bãi lau sậy trở nên hiện đại hơn. Mình hét vào đó có người nghe được, không những nghe được mà hắn còn nhảy đổng vào hét theo nữa. Đó là blog. Blog làm tăng nguồn cảm hứng vì thông tin được lan truyền và tương tác. Lời tâm sự, cảm xúc của mình được chia xẻ, được cảm thông.
Nhưng cảm xúc, tâm sự và nhận định của tôi thiên về khuynh hướng gì? Thú thực tôi ít am hiểu về kinh tế, không có năng khiếu về mỹ học, trình độ khoa học kỷ thuật thì không tới đâu nên tôi không có nhận định về kinh tế, ít có cảm xúc về văn chương nghệ thuật, không đủ hiểu biết để viết về khoa học công nghệ. Tôi có khuynh hướng về thời cuộc nên những cảm xúc, tâm sự và nhận định đều hướng vào chuyện thời cuộc. Thế là đụng vào chuyện chính trị nhạy cảm rồi. Vì viết về chính trị thì phải viết theo quan điểm nào, đứng trên lập trường nào. Mà khổ nổi quan điểm lập trường của tôi như đã nói lại không trùng với quan điểm lập trường của đảng đang cầm quyền. Trên lý thuyết, hiến pháp cho phép mọi công dân được quyền biểu lộ một cách ôn hòa chính kiến của mình. Tuy nhiên thực lòng mà nói, trên thực tế, sự biểu lộ quá thật này cũng gây ra không ít trở ngại nhất là khi trang nhật ký của tôi, nhờ vào sự ưu ái của các blog nổi tiếng đi trước cho đường link,  nên lượng người vào tăng lên một cách nhanh chóng.
Thế là nguy hiểm quá. Mình lại tự thấy có trách nhiệm. Lại phải viết dè chừng, dòm trước ngó sau, uốn lưỡi nhiều lần... và vì vậy mà cảm xúc, suy nghĩ, nhận định dần dần trở nên nhạt nhạt vì chưa truyền đạt hết sự thật về những điều mình suy nghĩ..
Rồi còn bao nhiêu cảm xúc dâng trào khi đối diện với các sự kiện nóng hổi mà mình đã viết ra nhưng nào có dám đưa lên. Như chuyện cấm biểu tình, chuyện các thanh niên công giáo lần lượt bị mất tích một cách khó hiểu, chuyện một số người ra tòa chỉ vì viết hoặc phát biểu trên báo nước ngoài chính kiến của mình, chuyện chị Tạ Phong Tần bị bắt, anh Điếu Cày hết hạn tù rồi nhưng vẫn còn bị giam giữ bí mật đến vợ con cũng không nghe được thông tin, rồi ngay mới đây chị Bùi Hằng bị bắt giam vô cớ ba ngày, rồi những người công giáo ở Thái Hà, ở Cồn Dầu, ở Vinh... chưa được đối xử công bằng.Tôi chỉ bày tỏ cảm xúc của mình về những chuyện ấy chứ có kiến nghị, yêu sách, phản đối gì đâu mà cũng không dám đưa lên. Tự thấy mình hèn quá.
Cảm xúc, tâm sự thật lòng thì không dám đưa lên, cái đưa lên thì nhạt nhạt, chưa thật vì phải uốn lưỡi nhiều lần để che chắn, để tìm sự an toàn. Trang nhật ký của mình để tâm sự vui buồn dần dần giống như tờ báo đảng mà báo đảng thì có đến gần cả ngàn tờ rồi mình tham gia thêm làm gì nữa cho thừa.
Vậy thì phải đóng blog lại thôi. Nhiều bạn bè buồn lắm. Nhưng mình còn buồn hơn nữa. Anh Nguyễn Thông nói blog đi vào trong máu thịt mình còn hơn là vợ nữa, bỏ vợ còn dễ hơn bỏ blog không biết có đúng không.

3. Qua blog thì quen được nhiều bạn. Bạn cũ có, học trò cũ có, bạn mới có và bạn ở khắp các phương trời. Có những bạn chưa hề biết tên và tuổi tác mà sao chỉ qua vài lời trao đổi đã thấy như là tri kỷ lâu rồi. Có bạn comment vào blog nhưng phần lớn bạn khác lại email riêng hoặc điện thoại trực tiếp để chia sẻ. Những phản hồi đó làm mình rất vui vì vừa có tính động viên lại vừa góp phần điều chỉnh những sai sót và quan trọng nhất là cung cấp cho mình nhiều thông tin để tham khảo, nêu ra các vấn đề để trao đổi. Có một blog được nhiều người quan tâm là có thêm một thế giới khác để sống bên cạnh cái thế giới thực đang có. Trong thế giới mới nầy, được gặp nhiều người cùng trăn trở, cùng ưu tư, cùng suy nghĩ nên do vậy chỉ thấy toàn những người bạn tốt đẹp. Chính vậy mà tự dưng thấy có trách nhiệm với bạn bè nên nghĩ rằng hoặc phải viết chân thật từ đáy lòng  hoặc không viết gì cả. Lúc này đóng blog lại chia tay với các bạn quả là tiếc lắm. Nhưng chẳng thà để lại một chút tiếc nuối cho nhau còn hơn là cứ kéo dài về sau bằng những bài viết không thật với lòng mình thì cũng phụ lòng các bạn phải không ạ?

4. Tôi có một giấc mơ. Trước khi đóng blog lại tôi xin phép nêu lên đây giấc mơ của mình. Chắc không ai phiền hà gì về những giấc mơ nên tôi lấy hết sự dũng cảm còn lại để kể ra đây:
- Tôi mơ Việt Nam mình thay đổi và đi về phía ánh sáng như Miến Điện.
- Tôi mơ nhà cầm quyền mình biết nói không với Trung Quốc, không bị mờ mắt trước miếng mồi kinh tế của họ.
- Tôi mơ thấy các anh chị đang bị bắt bớ, tù đày hân hoan bước ra khỏi nơi tăm tối. Đó là các anh chị: Cù Huy Hà Vũ, Phạm Minh Hoàng, Điếu Cày, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Tạ Phong Tần, Vi Đức Hối, Nguyễn Văn Lý, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phan Thanh Hải, các thanh niên Công Giáo...vv..vvv...
- Tôi mơ thấy quyền được thông tin của người dân không bị cấm đoán, báo chí được tự do và ai cũng có thể nói lên chính kiến của mình mà không bị phiền hà.
Bốn điều trong giấc mơ và còn nhiều điều nữa nhưng thật ra chỉ cần điều mơ ước đầu tiên là có thể có đủ hết các điều còn lại.

5. Viết đến đây thì nổ ra sự kiện Gadafi bị bắn chết. Kết thúc tất yếu của một kẻ độc tài tàn bạo, hoang tưởng và ngoan cố chống lại nhân dân, chống lại cả thế giới tiến bộ. Tuy nhiên kết thúc như Kadafi thì nhục nhã và thê thảm quá. Nhục nhã vì phải chui vào trong một ống cống để trốn rồi van xin được tha mạng. Thê thảm là những ngươi lính NTC do quá căm phẫn đã tàn nhẫn kéo lê xác ông trần truồng trên đường phố.

Bọn độc tài hại người, hại dân nào rồi cũng có những kết thúc tồi tệ, không bị lật đổ ngay lúc đang còn tại vì thì cũng bị miệng đời phỉ báng đến cả ngàn năm. Sự tham lam, ích kỷ và ngu xuẫn đã che mờ mắt rất nhiều tên độc tài còn đang tạm thời tại vị để họ không thấy cái gương sờ sờ ngay trước mắt. Bài học Gadafi cho thấy, thế giới ở thời đại liên lập không để anh được tự do bắt bớ, đàn áp và bắn giết nhân dân tùy thích. Dân tộc nào bị áp bức quá rồi đến lúc cũng phải vùng dậy. 70 năm như Liên Xô, 50 năm như Đông Âu hay 42 năm như Gadafi rồi cũng sụp đổ.
Chính vì vậy mà tôi hy vọng rằng giấc mơ của tôi không mãi mãi chỉ là giấc mơ.
Tạm biệt.



Huỳnh Ngọc Chênh
huynhngocchenh.blogspot.com