Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

GỬI TUỔI TRẺ (II)



          Số người phản đối bài “Gửi Tuổi Trẻ” không nhiều như tôi tiên liệu. Khi xưa, làm báo Nhà nước, đương đầu với ban biên tập với tuyên giáo để đưa được những điều mà mình tin là sự thật đến với người đọc. Giờ đây, khi viết blog, cũng không phải là không có những e ngại khi nói ra những điều mình nghĩ khác với cách nghĩ, mà báo Tuổi Trẻ cho biết, là của số đông.

          Nhưng, có lẽ do tôi khá vội - “Gửi Tuổi Trẻ” được viết lúc 0 giờ ngày 23-10-2011 ngay sau khi đọc bài “Tinh thần Đinh La Thăng” và sau một ngày dài khá mệt - nên trong số hơn 300 phản hồi của ngày đầu tiên trên Anhbasam và trên facebook.com/Osinhuyduc, cả ý kiến phản đối hay ủng hộ, đều không có nhiều người bàn ý chính mà tôi muốn nói: Một nhà nước chỉ có thể được coi là có pháp quyền khi luật pháp và các hành vi nhà nước bảo vệ được những người thiểu số, ngay cả trong trường hợp đám đông căm ghét họ.

          Tôi không ngạc nhiên mà chỉ buồn khi Tuổi Trẻ cho đến ngày nay vẫn bày tỏ thái độ với người giàu như thời “đấu tranh giai cấp”. Mâu thuẫn giàu-nghèo là câu chuyện muôn đời. Các nhà nước chân chính đều phải làm những gì tốt nhất để những người kém may mắn không trở thành những người cùng khổ. Nhưng, không thể san bằng khoảng cách giàu nghèo bằng cải cách ruộng đất, bằng cải tạo tư sản và bằng cách kích động lòng căm ghét người giàu. Hãy đọc lại những bài báo được đăng trên Tuổi Trẻ và các báo Sài Gòn, trên các số báo tháng 9-1975 và tháng 3-1978, để thấy rằng, nhiều khi, nhà báo chúng ta đã được tung hô bởi những việc làm rất xấu hổ.

          Sự nghèo khó mà Việt Nam đã từng phải trải qua trong thập niên 1970s và 1980s là do những chính sách của Đảng được báo chí Nhà nước tụng ca nhân danh “ý chí của đại đa số nhân dân”. Vào thời điểm đó không phải là không có những người nhận ra nhưng chỉ có một số ít dám lên tiếng và nhanh chóng bị dập tắt. Hãy đọc lại phát biểu của Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn trong Hội nghị Trung ương 25, khóa III, tháng 10-1976: “Nhất thiết phải xóa bỏ giai cấp bóc lột, xóa bỏ sản xuất cá thể, xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Đường lối đó là đường lối của giai cấp công nhân, không được ai chống lại. Ai chống lại là bắt. Đó là chuyên chính”. Khi đọc lại bài phát biểu này tôi cảm nhận được khát vọng nhanh chóng đưa đất nước đi lên của ông Lê Duẩn. Đôi khi, “con đường đi tới địa ngục được đắp bởi những ý định tốt”. Cách duy nhất để tránh là cho dù nhân danh đa số, nhân danh những khát vọng lớn lao, không một ai có quyền đứng trên pháp luật, không một ai có quyền buộc một cá nhân nào đó phải hy sinh những nhu cầu hợp pháp của mình, chỉ vì những người nhân danh số đông không muốn.

          Khi dẫn một vài ví dụ về tennis và golf, tôi muốn nói rằng, chúng ta không thể cấm golf kể cả cấm cán bộ chơi golf, bởi tự thân những môn thể thao này không phải là “tệ nạn”. Câu hỏi “tiền đâu”, nên được đặt với cả tư nhân chứ không chỉ là quan chức. Nên đặt ra với những hành vi tiêu xài khác chứ không chỉ đánh golf. Những tư nhân đang mất khả năng chi trả trước các khoản nợ khổng lồ ở ngân hàng mà mua xe hơi xịn, mua máy bay và tặng bồ những món hàng hiệu hàng chục nghìn USD cũng cần phải được giám sát. Bởi những khoản tiền mất đi khi các tư nhân này phá sản cũng, phần lớn, có nguồn gốc từ tiền Nước, tiền dân. Các quan chức mua nhà mua đất, con cái nay tiệc tùng, mai thay xe cũng cần phải được những tờ báo dấn thân như Tuổi Trẻ điều tra và lần lượt công khai. Lương bộ trưởng mà phải nuôi vợ, nuôi con thì, thưa Tuổi Trẻ, chỉ có thể sắm chiếc xe Wave Alpha mà đi thôi.

          Không ủng hộ cấm chơi golf không có nghĩa là ủng hộ xây dựng sân golf như vừa qua. Tháng 6-1992, tôi đã viết bài trên Tuổi Trẻ, phản đối việc lấy Lâm viên Thủ Đức, nơi được quy hoạch làm rừng phòng hộ, xây dựng sân golf đầu tiên của Việt Nam. Vấn đề chính yếu trong việc xây dựng sân golf, theo tôi, không chỉ là vấn đề môi trường hay quy hoạch mà là Chính quyền đã tiếp tay cho các doanh nghiệp lấy đất của nông dân rồi đền bù cho họ với giá vô cùng rẻ mạt. Điều này xảy ra không chỉ với việc xây dựng sân golf. Nhân danh lợi ích chung, người ta đã đuổi không ít nông dân ra khỏi mảnh đất của cha ông rồi chỉ đền bù với một giá gần như tước đoạt. Đừng theo số đông mà chống những cán bộ đánh golf, Tuổi Trẻ hãy sát cánh với những người nông dân thiểu số, đang lang thang trên đường Võ Thị Sáu, trên đường Lê Duẩn, để bảo vệ những điều cao cả hơn: Quyền thiêng liêng của người dân về tài sản.

          Nếu pháp lý không được lưu ý thì sai lầm mà Tuổi Trẻ có thể mắc phải còn nằm ngay cả những bài báo ít ai để ý như là việc “đánh xe dù”, những tư nhân nhỏ bé bị số đông các hợp tác xã xe bus và xe du lịch tìm cách chèn ép rồi báo chí ném đá thêm. Tuổi Trẻ rất hăng hái ủng hộ các hiệp sỹ mà không đặt vấn đề tính hợp pháp trong những vụ bắt người này. Sự hy sinh của các hiệp sỹ thật đáng ngưỡng mộ. Nhưng, nếu trong một xã hội mà những người không có thẩm quyền, thấy nghi ai trộm cắp là bắt thì phải được coi là loạn. Công an là cơ quan công lực mà nếu không được giám sát chặt chẽ thì cũng có thể bắt bớ oan sai. Nói chi những người chỉ có lòng tốt mà không được huấn luyện và không được ủy quyền hợp pháp. Kêu gọi người dân không thờ ơ với cái ác, hỗ trợ chính quyền chống tội phạm là cần thiết. Nhưng, khuyến khích họ bắt cướp thì không chỉ đem lại nguy hiểm cho chính họ mà còn đe dọa cả cộng đồng. Chính Tuổi Trẻ cũng biết: Sự hăng hái của đám đông đã từng gây ra những cái chết cho những người vô tội bị nghị là “trộm chó”.

          Trong một xã hội mà pháp quyền chưa có, báo chí lại càng phải đứng về những người thiểu số có ý kiến khác, ngay cả khác với số đông. Không phải tự nhiên mà GS Ngô Bảo Châu, một người được Chế độ khá biệt đãi lại lên tiếng chỉ trích các quan chức chính quyền khi bảo vệ Chế độ trong vụ Cù Huy Hà Vũ theo cách mà Giáo sư cho là “cẩu thả và sợ hãi”. Tuổi Trẻ có thể không đồng quan điểm của Cù Huy Hà Vũ hay với nhiều bloggers khác. Nhưng, nếu muốn xác lập uy tín thực sự trong công luận, không thể không lên tiếng phản đối những quan chức trong hệ thống hành chính cũng như tư pháp đã “cẩu thả và sợ hãi” mỗi khi thi hành công vụ. Cũng như các báo Nhà nước, Tuổi Trẻ không thể thoát khỏi thân phận “báo chí công cụ”.            Nhưng, nếu làm công cụ một cách có trách nhiệm thì không thể nào ủng hộ những hành vi đứng trên pháp luật của chính quyền cho dù những hành vi đó nhắm vào những người Tuổi Trẻ có thể không thích, không đồng tình và Chính quyền thì gọi họ là phản động.

          Thật thú vị khi chính trường có những chính khách như Đinh La Thăng và Vương Đình Huệ. Nếu như Tuổi Trẻ tin rằng các vị bộ trưởng đang mang đến một làn gió mới thay vì PR cho bản thân thì cũng nên ủng hộ bằng những bài báo có suy nghĩ. Làm chính trị giỏi là phải tạo ra cảm hứng cho công chúng. Nhưng niềm cảm hứng ấy phải thông qua những chính sách khả thi của mình chứ không phải trút sự căm hờn lên những người có điều kiện vật chất hơn số đông công chúng. Sau những màn tung hô, người dân sẽ phải chuyển mối quan tâm từ sân golf trở về với việc đi chợ, đón con… Chính họ chứ không phải ai khác sẽ quay lưng với ông Đinh La Thăng nếu như họ vẫn phải ì ạch xê dịch từng mét đường trong tiếng ồn và khói bụi.  

           Sáng nay, nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển cho tôi email của một nữ bạn đọc, chị Dư Khánh Hằng, sau khi đọc bài viết Gửi Tuổi Trẻ, chị nhắc: “Hitler, Mao, Stalin, Pinoche, Hussein, Gaddfi, etc... trước khi cầm quyền luôn được đa số đi theo và ủng hộ. Chỉ vì họ không bảo vệ mà còn tiêu diệt người thiểu số/chống đối cho nên họ đã trở thành độc tài”. Đinh La Thăng có thể chưa trở thành nhà độc tài và mị dân như lo ngại của chị Hằng, nhưng không biết điều gì sẽ xảy ra nếu báo chí tiếp tục nhân danh số đông để bảo vệ những hành vi không hợp pháp. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, thượng tôn pháp luật vẫn là một nguyên tắc bất di, bất dịch. 


OSIN HUY ĐỨC (Facebook)

GỬI TUỔI TRẺ




          Sau khi cho biết đa số ý kiến gửi về Tòa soạn đều ủng hộ việc Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu cán bộ cao cấp trong ngành không được chơi golf, tờ Tuổi Trẻ (thứ Bảy, 22-10-2011) đặt câu hỏi: “Tại sao một văn bản mà thoạt nghe qua có vẻ không ổn về tính pháp lý khi can thiệp đến cả thời gian nghỉ của cán bộ, nhưng lại đón nhận được sự ủng hộ tưng bừng như vậy?”. Rồi, Tuổi Trẻ tự trả lời: “Đó là nhờ bộ trưởng đã gãi trúng chỗ ngứa của mọi người khi có tình trạng một số cán bộ nhà nước ngày càng sống xa hoa, cách biệt”.

          Kết quả thăm dò trên trang mạng VnExpress cho thấy có 60,2% tán thành với lệnh cấm của ông Thăng. Không có gì phải nghi ngờ những đa số ấy. Nhưng, trong một quốc gia mà các nhà lãnh đạo vẫn thường nói đến nhà nước pháp quyền, một tờ nhật báo hàng đầu không thể dùng số đông để ủng hộ một văn bản “thoạt nghe” đã thấy “không ổn về pháp lý”. Lựa chọn cho mình một môn giải trí trong ngày nghỉ là quyền công dân của cán bộ, không ai có thể tước đoạt nó, kể cả dùng “chuyên chế đa số”.

          Nếu có thể chứng minh việc cán bộ chơi golf là nguyên nhân dẫn đến những trì trệ trong ngành giao thông, ông Thăng có thể nhờ Tuổi Trẻ điều tra những cán bộ dùng xe công đi chơi golf trong ngày làm việc. Nếu chơi golf thực sự liên quan đến tham nhũng, ông Thăng có thể phối hợp với Tuổi Trẻ điều tra những người được các sân golf tặng thẻ hội viên; điều tra những người đi chơi golf bằng tiền các doanh nghiệp đang thầu công trình của ngành giao thông vận tải.

          Golf ở Việt Nam chưa phải là một môn giải trí của nhà nghèo. Nhưng, nếu Tuổi Trẻ lên sân golf sẽ thấy người chơi có cả nhà báo và một số giáo viên. Việt Nam đã có kinh tế thị trường, không phải ai có tiền cũng đều do tham nhũng. Tuổi Trẻ viết: “Chơi một bữa golf bằng thu nhập một tháng lương giáo viên, gần bằng thời gian một ca làm việc của công nhân. Điều đó quá xa lạ và phản cảm mà một cán bộ đảng viên không nên làm... Nhìn xa hơn, đó là câu chuyện đạo đức của người cán bộ đảng viên, khi ăn sang mặc đẹp, chơi trò của giới thượng lưu trong lúc đồng bào còn không ít người khốn khó, ngành mình còn quá trì trệ”. Bây giờ không phải là thập niên 1980s, lẽ ra Tuổi Trẻ không nên kích động mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo theo cách hồng vệ binh như thế.

          Cuối thập niên 1970s, giữa một Sài Gòn vẫn còn đói kém, ông Võ Văn Kiệt đã chơi tennis. Nhiều nhà lãnh đạo lúc bấy giờ phê phán ông Kiệt cũng rất nặng lời. Nhưng ông vẫn chơi. Theo ông Kiệt, sau “giải phóng”, cho dù một bộ phận dân chúng vẫn có khả năng tài chánh, nhiều sân tennis ở Sài Gòn chỉ được dùng để phơi củ mì; nhiều người dân treo vợt trên nhà mà không dám ra sân vì không thấy “Việt cộng” chơi, họ sợ. Năm 1994, khi sang thăm Việt Nam, Thủ tướng Thailand Chuan Leekpai đã khá bất ngờ khi thấy ông Thủ tướng Cộng sản cũng chơi tennis, ông bèn cho chuyên cơ trở về Bangkok lấy vợt sang để cuối chiều, sau giờ đàm phán, hai vị thủ tướng, khi ấy chưa thực sự hữu nghị với nhau, ra sân giao hữu.

          Cũng trong năm 1994, khi ông Nguyễn Mạnh Cầm đến Bangkok dự Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN và trả lời: Việt Nam sẵn sàng tham gia tổ chức này, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, ông Badawi đã nói với ông Cầm: “Có hai việc anh phải chuẩn bị trước khi trở thành thành viên ASEAN: nói tiếng Anh và chơi golf”. Về sau khi đã ra sân được rồi, ông Cầm mới thấm thía, có những việc không giải quyết được trên bàn đàm phán nhưng lại xử lý khá nhẹ nhàng trên sân golf. Ông Võ Viết Thanh, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã từng bị phê phán. Nhưng chính trên sân golf, ông Thanh đã chuyển được một số thông điệp ngoại giao tới một số vị nguyên thủ chỉ ghé qua Sài Gòn đánh golf chứ không thăm, làm việc. Cũng trên sân golf, ông Võ Viết Thanh đã từng giao hữu với Tướng Nguyễn Cao Kỳ, người mà chính quyền không muốn đón tiếp một cách chính thức.

          Không phải điều gì được nói trên sân golf cũng đều ích nước. Không thể phủ nhận có “một số cán bộ ngày càng sống xa hoa, cách biệt” với dân. Nhưng, chơi golf chỉ là hệ quả chứ không phải nguyên nhân. Nếu chơi golf đúng là “câu chuyện đạo đức của người cán bộ, đảng viên”, thì cũng không thể điều chỉnh những điều sai bằng một quyết định “không ổn về pháp lý”.

OSIN HUY ĐỨC (Facebook)

Có Hai Anh Ba Đua


Tạm “ tị nạn rượu “ nằm nhà, chợt nhớ lâu ngày anh em chưa gặp nhau . Gọi điện cho thằng em ruột mời cà phê . Nó cười trong điện thoại: “Ông anh mà cà phê à ?”

Quán lề đường . Thằng bộ đội của năm 1979 giờ thất nghiệp, vợ nuôi. Tôi bảo: “ chú có số “ thân cư thê “ sướng hơn tôi . Thằng em thua tôi 6 tuổi , năm 79 nó ở quận 4. Khi Trung Quốc đánh Việt Nam nó lang bang vào cuộc mít tinh ở ngã tư Hoàng Diệu – Đoàn Nhữ Hài nghe anh Bí thư Quận đoàn 4 đọc một bài hiệu triệu nảy lửa “ đánh cho để răng đen …đánh cho để tóc dài…đánh cho chích phản bất phục hoàn…” gì gì đấy . Sôi máu thanh niên nó về thưa mẹ tôi “ Cho con đi bộ đội”. Nghe kể lại mẹ tôi khi ấy rưng rưng nước mắt: “ Thằng anh mày còn ở bên K chưa về, mày đi có chuyện gì thì mẹ sống với ai …” Nhưng nó cứ đi , đăng ký quân đội .Chuyển quân ra phía bắc. 4 năm sau vác ba lô giải ngũ, đen kịt lầm lì nhưng mẹ tôi hạnh phúc .Hai đứa con trai đều trở về bình an, lành lặn. Tôi đi làm công nhân in 8 năm, nó chạy xe ôm. Khi tôi về Tuổi Trẻ làm báo. Nó vẫn chạy xe ôm , tình thật nó chưa học xong lớp 6.

“ Cái anh đọc diễn văn hiệu triệu hồi ấy tên gì em quên rồi anh nhỉ ? “ Anh Ba Đua – Nguyễn Văn Đua !”- Tôi trả lời , nó là thường dân chả để ý gì đến cán bộ lãnh đạo. Nhưng tôi biết chắc nó vào lính vì lời hiệu triệu chống bọn bành trướng bắc kinh cùa anh ngày ấy.

Anh Ba Đua . Thằng em tôi không biết anh bây giờ làm gì nhưng tôi thì đương nhiên biết. Anh là Phó bí thư thường trực Thành ủy thành phố này . Người không thích thanh niên Sài Gòn xuống đường, không thích cái áo U No – đường lưỡi bò mà ngay đến cả tạp chí Nature nổi tiếng thế giới cũng đã có bài lật tẩy bọn học giả Trung Quốc về cái đường lưỡi bò nhảm nhí ây. Anh không thích những cuộc hội thảo của giới trí thức việt nam về những vấn liên quan đến chủ quyền biển đảo, cho dù hôm nay họ cũng như anh ngày xưa đầy lòng yêu nước. “ Sao lại thế , hồi ấy ổng hùng biện , quyết liệt lắm kia mà . Em sôi máu đi lính vì bài diễn thuyết của Ổng đấy !” Tôi cười buồn , biết giải thích thế nào chuyện “ ổng” nhỉ . Nó hỏi thế anh xuống đường ông Ba Đua có cấm , cản , làm khó gì không ? Mà chẳng lẽ có hai anh Ba Đua . Có đúng là ông Đua ấy không ? .Tôi lại cười buồn: “ Hình như là có hai anh Ba Đua chú ạ!” Nó châm thuốc thắc mắc: “ Vậy nếu anh Ba Đua Quận đoàn 4 hồi đó giờ xuống đường chống ngoại xâm thì sao ? “ . Tôi bật cười thành tiếng “ Thì anh Ba Đua Thành ủy bây giờ sẽ bắt anh Ba Đua Quận đoàn 4 hồi đó chớ sao !”

Buổi cà phê bờ kè dừng ở đấy .Anh em tạm biệt nhau .Nhìn cái bóng khắc khổ của người lính biên giới 1979 năm xưa , thằng em ruột của mình, tôi bỗng khẽ thở dài mà chẳng rõ tại sao mình lại thở dài

Chắc tại buổi chiều Sài Gòn cũng đang sầm cơn mưa lớn.

ĐỖ TRUNG QUÂN  (Facebook)



Lời Cuối Chân Thành





1. Hồi tôi còn rất bé ngồi nghe lóm ba tôi kể cho các chị tôi nghe câu chuyện Vua Mi Đi có tai lừa mà không hiểu làm sao tôi lại nhớ đến bây giờ. Chuyện rằng có ông vua nọ tên là Mi Đi  không biết bị làm sao lại có hai tai lông lá và dài nhọn như hai tai lừa. Vua xấu hổ giấu kín không cho bất kỳ ai biết bằng cách suốt đêm ngày mang vương miện hoặc mang mũ che kín lại. Nhưng giấu cách nào thì cũng phải cho một người biết, đó là anh thợ hớt tóc cung đình vì mỗi tháng vua cũng phải hớt tóc một lần. Dĩ nhiên là vua phải "hợp đồng" trước với anh thợ nầy là giữ bí mật tuyệt đối hoặc bị chém đầu.
Có được cái thông tin quan trọng tột cùng như vậy mà không thông tin lại cho ai quả là một điều khó khăn cùng cực đối với anh thợ hớt tóc. Một ngày kia chịu hết nỗi, anh thợ bèn đi tìm đến một cánh đồng trống hoang vu không một bóng người, chỉ có lau sậy mọc đầy. Tại đây anh hét lên: Vua Mi Đi có tai lừa! Vua Mi Đi có tai lừa!.... Hét thỏa thích đến khan cả giọng rồi anh sung sướng và an tâm trở về. Nào ngờ lau sậy reo vi vu trong gió lại "ghi" được lời anh. Từ đó mỗi khi gió thổi là chúng cứ vi vu phát lại: " Vua Mi Đi có tai lừa! Vua Mi Đi có tai lừa!". Chẳng bao lâu cả kinh thành đều biết chuyện rồi cuối cùng câu chuyện về tai lừa của vua cũng đến tai lừa của vua. Anh thợ hớt tóc bị chém đầu.
Tôi nhớ ba tôi kể chuyện đó cho các chị tôi nghe với ngụ ý  giáo dục rất phù hợp với cái thời Việt Cộng còn chui hầm bí mật ở vùng xôi đậu mà chúng tôi đang sinh sống và cũng phù hợp với tật ngồi lê đôi mách của các chị gái tôi: Chớ có thóc mách mà mất mạng.
Nhưng sau nầy lớn lên nhớ lại câu chuyện trên tôi lại nghiệm ra một ý nghĩa khác. Đó là quyền được thông tin của con người. Anh có thông tin mà  không được nói ra, không truyền lại cho người khác thì đau khổ còn hơn là ăn mà không được ỉa.
Thông tin là những điều anh ghi nhận, thông tin là những điều anh suy nghĩ và thông tin cũng là những cảm xúc của anh bật ra khi tương tác với sự vật hoặc ngoại cảnh. Tùy theo cách diễn đạt để truyền tải mà thông tin ấy có thể là một ký hiệu nguệch ngoạc, có thể là thông báo ngắn gọn, có thể là một bài báo súc tích, có thể là một áng văn trác tuyệt, một bức họa sinh động và có thể là một bài thơ mượt mà hoặc một khúc hát mê li. Nói tóm lại thông tin và việc truyền đi thông tin đã hình thành nên nền văn hóa của nhân loại. Thông tin vừa là nhu cầu bức thiết vừa là điều kiện cơ bản để làm nên con người.

2. Người làm trực tiếp trong ngành báo chí thì khát khao thông tin còn hơn bất kỳ ai. Thế nhưng trong gần hai mươi năm làm báo, thú thực tôi chưa viết được một bài báo nào ra hồn. Tôi phải viết bài ở những lãnh vực tôi không am hiểu hoặc thích thú lắm nên bài vở tầm tầm. Còn lãnh vực tôi thích thú thì phải viết theo quan điểm và lập trường của đảng. Báo của Đảng nên phải thông tin định hướng theo ý Đảng, đó là lẻ đương nhiên. Nếu ai có cùng ý với Đảng thì hẳn sẽ rất hạnh phúc vì sẽ viết được những bài báo hay,  rất thật với lòng mình. Còn tôi thì xin chịu. Tôi có những cảm xúc, những suy nghĩ, những lời tâm sự, những nhận định về thời cuộc, nhận định về lịch sử.... không hiểu sao lại chẳng trùng hợp chút nào với ý Đảng. Ví dụ bài nền tảng đạo lý của hiến pháp cách đây gần 10 năm, nếu viết theo ý mình thì phải nói đến bản tuyên ngôn nhân quyền- dân quyền, nói đến đạo lý truyền thống của dân tộc, thế nhưng phải làm tròn  theo ý đảng là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lê xa lạ mà cái chủ nghĩa ấy thì lúc đó, ngay tại nơi sản sinh ra nó là nước Nga, người ta đang vứt bỏ thì làm sao viết cho ra hồn được.  Đây là dịp cuối cùng trên blog, cho phép tôi được thật lòng.
Thế là tôi tìm đến đám lau sậy của riêng mình để truyền thông tin vào đó. Ban đầu là nhật ký được ghi chết trong ổ nhớ. Viết thoải mái mọi suy nghĩ, mọi cảm xúc, mọi nhận định của mình về thời cuộc, về thế giới, về lãnh đạo, về mọi người chung quanh... hả cả lòng mà chẳng sợ đụng chạm ai. Tuy nhiên thông tin như vậy thì cũng như chẳng có thông tin gì cả, vì bản chất của thông tin là sự lan truyền mà ổ nhớ thì không vi vu lại được như đám lau sậy của anh thợ hớt tóc để tạo ra sự lan truyền.
Rồi internet xuất hiện, bãi lau sậy trở nên hiện đại hơn. Mình hét vào đó có người nghe được, không những nghe được mà hắn còn nhảy đổng vào hét theo nữa. Đó là blog. Blog làm tăng nguồn cảm hứng vì thông tin được lan truyền và tương tác. Lời tâm sự, cảm xúc của mình được chia xẻ, được cảm thông.
Nhưng cảm xúc, tâm sự và nhận định của tôi thiên về khuynh hướng gì? Thú thực tôi ít am hiểu về kinh tế, không có năng khiếu về mỹ học, trình độ khoa học kỷ thuật thì không tới đâu nên tôi không có nhận định về kinh tế, ít có cảm xúc về văn chương nghệ thuật, không đủ hiểu biết để viết về khoa học công nghệ. Tôi có khuynh hướng về thời cuộc nên những cảm xúc, tâm sự và nhận định đều hướng vào chuyện thời cuộc. Thế là đụng vào chuyện chính trị nhạy cảm rồi. Vì viết về chính trị thì phải viết theo quan điểm nào, đứng trên lập trường nào. Mà khổ nổi quan điểm lập trường của tôi như đã nói lại không trùng với quan điểm lập trường của đảng đang cầm quyền. Trên lý thuyết, hiến pháp cho phép mọi công dân được quyền biểu lộ một cách ôn hòa chính kiến của mình. Tuy nhiên thực lòng mà nói, trên thực tế, sự biểu lộ quá thật này cũng gây ra không ít trở ngại nhất là khi trang nhật ký của tôi, nhờ vào sự ưu ái của các blog nổi tiếng đi trước cho đường link,  nên lượng người vào tăng lên một cách nhanh chóng.
Thế là nguy hiểm quá. Mình lại tự thấy có trách nhiệm. Lại phải viết dè chừng, dòm trước ngó sau, uốn lưỡi nhiều lần... và vì vậy mà cảm xúc, suy nghĩ, nhận định dần dần trở nên nhạt nhạt vì chưa truyền đạt hết sự thật về những điều mình suy nghĩ..
Rồi còn bao nhiêu cảm xúc dâng trào khi đối diện với các sự kiện nóng hổi mà mình đã viết ra nhưng nào có dám đưa lên. Như chuyện cấm biểu tình, chuyện các thanh niên công giáo lần lượt bị mất tích một cách khó hiểu, chuyện một số người ra tòa chỉ vì viết hoặc phát biểu trên báo nước ngoài chính kiến của mình, chuyện chị Tạ Phong Tần bị bắt, anh Điếu Cày hết hạn tù rồi nhưng vẫn còn bị giam giữ bí mật đến vợ con cũng không nghe được thông tin, rồi ngay mới đây chị Bùi Hằng bị bắt giam vô cớ ba ngày, rồi những người công giáo ở Thái Hà, ở Cồn Dầu, ở Vinh... chưa được đối xử công bằng.Tôi chỉ bày tỏ cảm xúc của mình về những chuyện ấy chứ có kiến nghị, yêu sách, phản đối gì đâu mà cũng không dám đưa lên. Tự thấy mình hèn quá.
Cảm xúc, tâm sự thật lòng thì không dám đưa lên, cái đưa lên thì nhạt nhạt, chưa thật vì phải uốn lưỡi nhiều lần để che chắn, để tìm sự an toàn. Trang nhật ký của mình để tâm sự vui buồn dần dần giống như tờ báo đảng mà báo đảng thì có đến gần cả ngàn tờ rồi mình tham gia thêm làm gì nữa cho thừa.
Vậy thì phải đóng blog lại thôi. Nhiều bạn bè buồn lắm. Nhưng mình còn buồn hơn nữa. Anh Nguyễn Thông nói blog đi vào trong máu thịt mình còn hơn là vợ nữa, bỏ vợ còn dễ hơn bỏ blog không biết có đúng không.

3. Qua blog thì quen được nhiều bạn. Bạn cũ có, học trò cũ có, bạn mới có và bạn ở khắp các phương trời. Có những bạn chưa hề biết tên và tuổi tác mà sao chỉ qua vài lời trao đổi đã thấy như là tri kỷ lâu rồi. Có bạn comment vào blog nhưng phần lớn bạn khác lại email riêng hoặc điện thoại trực tiếp để chia sẻ. Những phản hồi đó làm mình rất vui vì vừa có tính động viên lại vừa góp phần điều chỉnh những sai sót và quan trọng nhất là cung cấp cho mình nhiều thông tin để tham khảo, nêu ra các vấn đề để trao đổi. Có một blog được nhiều người quan tâm là có thêm một thế giới khác để sống bên cạnh cái thế giới thực đang có. Trong thế giới mới nầy, được gặp nhiều người cùng trăn trở, cùng ưu tư, cùng suy nghĩ nên do vậy chỉ thấy toàn những người bạn tốt đẹp. Chính vậy mà tự dưng thấy có trách nhiệm với bạn bè nên nghĩ rằng hoặc phải viết chân thật từ đáy lòng  hoặc không viết gì cả. Lúc này đóng blog lại chia tay với các bạn quả là tiếc lắm. Nhưng chẳng thà để lại một chút tiếc nuối cho nhau còn hơn là cứ kéo dài về sau bằng những bài viết không thật với lòng mình thì cũng phụ lòng các bạn phải không ạ?

4. Tôi có một giấc mơ. Trước khi đóng blog lại tôi xin phép nêu lên đây giấc mơ của mình. Chắc không ai phiền hà gì về những giấc mơ nên tôi lấy hết sự dũng cảm còn lại để kể ra đây:
- Tôi mơ Việt Nam mình thay đổi và đi về phía ánh sáng như Miến Điện.
- Tôi mơ nhà cầm quyền mình biết nói không với Trung Quốc, không bị mờ mắt trước miếng mồi kinh tế của họ.
- Tôi mơ thấy các anh chị đang bị bắt bớ, tù đày hân hoan bước ra khỏi nơi tăm tối. Đó là các anh chị: Cù Huy Hà Vũ, Phạm Minh Hoàng, Điếu Cày, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Tạ Phong Tần, Vi Đức Hối, Nguyễn Văn Lý, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Xuân Nghĩa, Phan Thanh Hải, các thanh niên Công Giáo...vv..vvv...
- Tôi mơ thấy quyền được thông tin của người dân không bị cấm đoán, báo chí được tự do và ai cũng có thể nói lên chính kiến của mình mà không bị phiền hà.
Bốn điều trong giấc mơ và còn nhiều điều nữa nhưng thật ra chỉ cần điều mơ ước đầu tiên là có thể có đủ hết các điều còn lại.

5. Viết đến đây thì nổ ra sự kiện Gadafi bị bắn chết. Kết thúc tất yếu của một kẻ độc tài tàn bạo, hoang tưởng và ngoan cố chống lại nhân dân, chống lại cả thế giới tiến bộ. Tuy nhiên kết thúc như Kadafi thì nhục nhã và thê thảm quá. Nhục nhã vì phải chui vào trong một ống cống để trốn rồi van xin được tha mạng. Thê thảm là những ngươi lính NTC do quá căm phẫn đã tàn nhẫn kéo lê xác ông trần truồng trên đường phố.

Bọn độc tài hại người, hại dân nào rồi cũng có những kết thúc tồi tệ, không bị lật đổ ngay lúc đang còn tại vì thì cũng bị miệng đời phỉ báng đến cả ngàn năm. Sự tham lam, ích kỷ và ngu xuẫn đã che mờ mắt rất nhiều tên độc tài còn đang tạm thời tại vị để họ không thấy cái gương sờ sờ ngay trước mắt. Bài học Gadafi cho thấy, thế giới ở thời đại liên lập không để anh được tự do bắt bớ, đàn áp và bắn giết nhân dân tùy thích. Dân tộc nào bị áp bức quá rồi đến lúc cũng phải vùng dậy. 70 năm như Liên Xô, 50 năm như Đông Âu hay 42 năm như Gadafi rồi cũng sụp đổ.
Chính vì vậy mà tôi hy vọng rằng giấc mơ của tôi không mãi mãi chỉ là giấc mơ.
Tạm biệt.



Huỳnh Ngọc Chênh
huynhngocchenh.blogspot.com

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Nguy rồi anh Nguyễn Như Phong ơi: Quân Kadhafi sắp hết nơi ẩn náu


Mấy hôm rồi, đọc bài báo “Sự thật về Libya và Kadhafi” trên trang mạng do anh Như Phong làm tổng biên tập, biết được sự thật rồi, tôi cứ ngồi thương thầm cho anh Kadhafi và đất nước Libya.
Không thương sao được. Tội nghiệp cho anh Kadhafi, một vị lãnh đạo tài ba, “người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Libya” và đã “đạt được những thắng lợi vẻ vang to lớn” trong suốt thời kỳ anh cầm quyền mới có 42 năm qua.
Những thành tựu của Libya được tờ báo của anh Như Phong nêu rất cụ thể như thể anh ngồi trong nhà anh Kadhafi vậy. Về kinh tế xã hội thì: “Kadhafi đã tích lũy hơn 143 tấn vàng… Lợi nhuận từ việc bán dầu mỏ được sử dụng cho phúc lợi của nhân dân và cho việc cải thiện điều kiện sinh hoạt…” cũng như các thành tựu, công lao mà anh Kadhafi đã làm cho lục địa đen to lớn nhường nào.
Về chính trị thì: “Đất nước Libya, mà người ta miêu tả là một nền độc tài quân sự, thực ra là nhà nước dân chủ. Năm 1977, tại đây, nền Jamahiriya, một nền dân chủ hình thức cao, đã được tuyên bố; với nó, các thiết chế truyền thống của chính phủ bị bãi bỏ và quyền lực trực tiếp thuộc về nhân dân thông qua các ủy ban và đại hội của họ”. Rồi thì: “Libya có những cơ chế về dân chủ và về quyền giám sát của nhân dân: Những hội đồng công dân được bầu chọn và những cộng đồng tự trị (công xã), không thông qua danh sách kiểu Xôviết, không có thói quan liêu vô bổ, mà với một trình độ sinh hoạt và an ninh xã hội cao của công dân”.
Về uy tín của Gadhafi thì: “Những cuộc thăm dò trong người dân cho thấy, ông Kadhafi nhận được ít nhất 90% người dân ủng hộ tại Tripoli và ít nhất là 70% trên toàn quốc”. Như vậy Đại tá Kadhafi đã là niềm tự hào và là niềm tin tất thắng của nhân dân Libya còn gì.
Đọc bài trên tờ báo của anh Như Phong hiểu ra sự thật mới thấy ngao ngán và tội nghiệp cho anh Kadhafi. Một lãnh tụ tài ba, lỗi lạc, và được nhân dân yêu mến như cha già dân tộc vậy mà bỗng dưng dân chúng nổi dậy lật đổ ào ào cho đến hôm nay báo chí nhà nước ta phải kêu lên thất thanh: “Kadhafi sắp hết nơi ấn náu”.
Như vậy là bọn dân Libya là bọn ăn cháo đá bát, phải không anh Như Phong? Cái bọn dân đó không biết được nhờ ơn Đại tá, ơn Chính phủ mà họ có cơm ăn, áo mặc, được hưởng một cuộc sống như anh cho biết: “Libya là một đất nước có nhiều chính sách mà nhân dân nhiều nước trên thế giới nên mơ…”. Chắc nó cũng giống như bọn người nước ngoài nào đó ở các nước tư bản mà có thời kỳ đã từng mơ chỉ sau một đêm được trở thành người Việt Nam vậy, phải không thưa anh?
Anh Như Phong ơi, cái bọn dân Libya nó ngu muội ăn cháo đá bát đó thì nguy hiểm cho anh Kadhafi kính mến đã đành. Nhưng, điều nguy hiểm hơn cho anh Kadhafi nữa là cái“tay trùm  Hội đồng chuyển tiếp Quốc gia” của Libya đã và đang được cả thế giới lần lượt công nhận. Bất hạnh thay cho anh ta là trong số đó có cả đàn anh Trung Quốc và nhà nước Việt Nam độc lập và ưu việt chúng ta.
Như vậy, ngay cả nhà nước Việt Nam ta cũng đã không chịu nghe theo bài báo của anh cảnh giác mà lại công nhận một bọn phản phúc để lật đổ lãnh tụ tài ba Kadhafi được nhân dân Libya yêu mến, thế nghĩa là thế nào anh? Hay nhà nước ta cũng đã bị bọn đế quốc nó tuyên truyền mất rồi?
Đọc trên tờ báo của anh mà tôi giật mình đánh thót: “Bây giờ thì những kẻ phản bạn đó chẳng những xâm lược Libya để ăn cướp dầu mỏ, vàng và tiền của xứ sở này mà còn tìm cách truy sát Kadhafi vì nhiều lý do…”. Anh nói thế này, thì chẳng hóa ra anh chửi ngay cả nhà nước mình cũng phản bạn ư? Quả là anh mạnh miệng, nhưng tôi hỏi nhỏ là anh nói vậy có phải “đi làm việc” với công an không? Hay vì anh là công an rồi nên có thể nói được mọi chuyện? Tôi mơ được như anh để nói thật mà khó lắm thay.
Càng đọc tờ báo của anh, chúng tôi quả thực là không hiểu nổi vì sao nữa.
Không thể hiểu nổi lý do vì sao bọn dân Libya nó dốt nát đến thế, ai lại gọi là chế độ độc tài khi anh Kadhafi mới cầm quyền có 42 năm. Mà cầm quyền 42 năm thì nhằm nhò gì so với ông bạn vàng Phiden Castro của chúng ta còn cầm quyền tới 49 năm và khi 82 tuổi rời ghế vẫn phát biểu là “Tôi không tham quyền cố vị” nếu ông ta mà tham quyền cố vị thì chắc phải giữ ghế đến khi cải táng chăng.
Không hiểu nổi vì sao cả thế giới đã rất bất công khi lên án anh Kadhafi cho bắn vào người biểu tình.
Đúng là cái dân Libya quá trớn và không thể chấp nhận được, có lẽ chúng nó không được sống trong chế độ ưu việt như chúng ta nên bọn nó không hiểu, cứ biểu tình lung tung nên mới xảy ra như thế.
Biểu tình mà không ngăn chặn thì có mà loạn, phải không anh? Như ở Việt Nam ta thì biểu tình dù là yêu nước cũng phải đúng cách chứ không thể tự phát được, cái gì cũng phải có sự lãnh đạo của Đảng mới mong thành công.
Tiếc rằng anh Kadhafi đã không biết cách sang Hà Nội mà học cách trị biểu tình, lại sang Bắc Kinh mua vũ khí nên mới sinh cơ sự như thế.
Nhìn những cuộc biểu tình ở Hà Nội vừa qua xem, anh có lẽ là người hiểu rõ nhất những cuộc biểu tình đó. Chắc anh cũng hiểu rằng cái biểu tình ở ta vừa qua khác xa biểu tình ở Libya, phải không anh? Bên ta là biểu tình chống xâm lược lãnh thổ Tổ quốc ta, bên đó là biểu tình của bọn ăn cháo đá bát đòi lật đổ chế độ dân chủ Kadhafi.
Hai cách biểu tình đó, thì để dẹp biểu tình ở ta còn khó hơn gấp vạn. Thế mà nhà nước ta vẫn làm ngon ơ.
Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, nhà nước ta luôn khẳng định như thế. Nhưng khi cần, thì sẵn sàng đưa ra một văn bản chẳng cần cái quy trình và giá trị pháp luật nào cả như cái Thông báo của UBNDTP Hà Nội có đóng dấu treo. Thế rồi cứ vậy mà thực hiện, chẳng cần ký cót gì cho mất thời gian và nhỡ cá nhân anh nào chịu trách nhiệm thì lộ bí mật nhà nước về trình độ cán bộ lãnh đạo.
Đất nước ta vốn không giàu có gì, nhưng nhà nước vẫn không tiếc tiền để đưa hàng đoàn, hàng lũ cơ quan, đoàn thể, chính quyền đi vận động từng người không biểu tình yêu nước. Vận động lần 1 không được, thì lần hai, nếu vẫn đi biểu tình thì cho lên xe Bus, đưa về đồn công an lập biên bản, tạm giữ. Hàng ngày, hàng tuần dù có một nhúm người biểu tình thì vẫn cứ phong tỏa bằng hàng hàng lớp lớp công an, dân phòng, các cháu thanh niên, thiếu nhi…
Rồi sau đó cho người theo dõi, bọn biểu tình bị bám sát, không làm ăn gì được, muốn ở trọ thì xúi bọn nhà trọ đuổi cổ, xúi cơ quan đuổi việc… cứ thế mà làm thì còn thằng nào dám đi biểu tình nữa, phải không anh.
Song song với những việc đó, báo chí truyền thông phải có những tờ báo như của anh, viết những bài kiểu như “Tổ chức khủng bố Việt Tân và âm mưu gây rối tại Hà Nội”, dù cho nhân dân có thắc mắc là vì sao một nhà nước của dân, do dân, vì dân ở ngay đây mà dân lại đi nghe cái bọn Việt Tân ở đâu tận bên Mỹ bên Pháp gì đó thì có hơi lạ. Nhưng tuyên truyền là phải thế, đúng không anh? Cho dù ngay sau đó anh lại phải nói bằng một giọng đạo đức khác: “Vì những chuyên đại loại như trên mà phương Tây, thông qua bọn bồi bút, bồi báo, đã không từ một thủ đoạn nào để bôi nhọ Kadhafi…”sau khi anh đã bôi nhọ những người yêu nước đi biểu tình chống Trung Quốc.
Ở đây anh không nói rõ, bọn báo chí phương Tây đó nó có làm được bằng cái trò cắt xén, vu cáo và xuyên tạc để đánh đòn hội đồng một cách đê hèn như hệ thống báo chí của ta đã làm với Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt khi cắt nửa câu nói của ngài tại UBNDTP Hà Nội không anh?
Bên cạnh đó, ngoài chuyện giữ quan hệ với anh bạn 16 chữ vàng và 4 tốt, nhà nước ta chăm lo những hoạt động như “Diễn tập giải tán bạo loạn chính trị” thì bố đứa nào còn dám ngo ngoe gì được như Libya.
Đọc kỹ bài viết của anh, tôi mới nghiệm ra là anh Kadhafi bị khốn khổ như vậy, chỉ vì bọn báo chí, tuyên truyền đã “bằng những ngón xuyên tạc cực kỳ thâm hiểm trong nhiều tin tức trọng đại đối với toàn nhân loại”. Đích thị là ở cái bọn tuyên truyền này, vô nhân tâm, vô đạo đức quá, phải không anh?
Đúng là cái bọn báo chí Phương Tây loạn thật, có lẽ do chúng nó không có sự lãnh đạo tài tình và tuyệt đối nên mới thế.
Anh kể câu chuyện Mẹ Tăng Sâm, câu chuyện về truyền thông dối trá, lừa bịp đã làm cho người dân Libya nổi dậy chống chế độ dân chủ Kadhafi mà tôi giật mình. Đúng là cái bọn tuyên truyền lấy được, bất chấp sự thật, vu vạ cáo gian chẳng biết sự thật là gì. Chắc cũng như cái Đài Truyền hình Hà Nội vu cáo những người yêu nước là phản động mà các nhân sĩ, trí thức đang đưa đơn kiện đấy, anh nhỉ?
Tôi công nhận anh làm tuyên truyền có năng khiếu, anh vạch rõ từng thủ đoạn của bọn báo chí thế giới như đi guốc trong bụng chúng ra vậy. Tờ báo của anh viết: “Rồi còn cả chuyện tay trùm  Hội đồng chuyển tiếp Quốc gia thừa nhận là đã quay video ở nước ngoài thành cảnh ở Libya để… tuyên truyền”.
Đúng là những trò tuyên truyền đáng ghê tởm, mất nhân tính và đáng lên án. Nó cũng tựa như cái tờ Hà Nội mới đưa ý kiến nhân dân phản đối Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, nhưng khi tôi gọi điện thẩm tra đến tận nơi, thì người được có ý kiến trên báo Hà Nội mới đã chết cách đó… 6 năm, rồi những người khác nữa thì chưa sinh ra.
Hoặc cũng như trò Báo Hà Nội mới phỏng vấn ông luật sư Nguyễn Trọng Tỵ lên án linh mục ở Thái Hà. Nhưng khi tôi kiểm tra lại thì ông Tỵ chối như bay là ông không nói gì cả, ông không biết linh mục là ông nào mà do báo bịa đặt ra.
Tờ báo của anh cũng vạch rõ: “Người ta đã vạch trần nhiều cảnh dân chúng biểu tình hoặc binh lính Kadhafi đàn áp dân chúng đều được dàn dựng ở Qatar. Và khôi hài cũng như rẻ tiền là cảnh dân Libya mà lại chống Kadhafi bằng cờ Ấn Độ! thì đúng là quá quắt thật, vô lương thật. Nó cũng tựa như Đài Truyền hình của nhà nước đã dựng ông già ăn xin thành giáo dân để… phỏng vấn phản đối nhà thờ Thái Hà, hoặc lột áo một bộ đội thành giáo gian để đóng vai giáo dân khi khánh thành vườn hoa Vũ Khởi Phụng ở Thái Hà. Hay cũng như chuyện ở ta cho con nghiện và đám côn đồ bao vây nhà thờ, (tất nhiên là bên ngoài là công an bảo vệ) để đe dọa, hò  hét uy hiếp cả dòng tu, cả nhà thờ và bệnh viện khi đang nửa đêm và sau đó Bộ ngoại giao trả lời ráo hoảnh rằng đó là do “quần chúng tự phát”.
Tôi cũng như anh, không thể nào chấp nhận cái trò đó đúng là khốn nạn đó và phải lên án.
Là người có nghề, tờ báo của anh viết: “Trùm phát xít Goebbels, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tuyên truyền của Đức Quốc xã đã từng nói: “Sự thật là điều không có thật được nhắc đi nhắc lại nhiều lần”. Nhưng rất ít người biết rằng, hiện nay, 9 tập đoàn truyền thông xuyên quốc gia đang nắm và phân phối hơn 90% lượng thông tin trên thế giới theo hướng có lợi cho bọn trùm quân sự – công nghiệp bằng những ngón xuyên tạc cực kỳ thâm hiểm trong nhiều tin tức trọng đại đối với toàn nhân loại”. Đúng là tổng biên tập một tờ báo của nhà nước, anh học rất thuộc bài. Có lẽ vì thế mà ở Việt Nam chúng ta, 100% báo chí là của nhà nước như tờ báo của anh và Thủ tướng Dũng còn khẳng định không bao giờ cho ló mặt báo chí tư nhân, độc lập. Phải chăng đây là nguyên nhân?
Anh đã cố công tìm ra nguyên nhân sự bất hạnh của anh bạn Kadhafi vĩ đại và đất nước Libya là do 9 tập đoàn truyền thông, phân phối hơn 90% lượng thông tin làm cho người dân Libya trở nên ngu dốt. Chắc nó cũng chưa bằng ở nước ta hơn 700 tờ báo, đài truyền hình, hàng vạn đài Phường và bảng thông tin thì 100% là do đảng và nhà nước nắm.
Đọc câu này của anh, tôi ngờ ngợ: “Kadhafi ở trong trái tim của hầu hết mọi người dân châu Phi như một con người độ lượng và giàu tinh thần nhân văn…” vậy thì vì sao cả lục địa Châu Phi rộng lớn, cả quả địa cầu này mà anh ta lại không có một chỗ ẩn nấp khi tính mạng bị đe dọa và truy đuổi?
Anh nói đúng, hay anh lại cũng mắc bệnh tuyên truyền bất chấp lương tâm? Lẽ nào cả thế giới này đều là quân phản trắc, là những kẻ vô lương trừ anh? Lẽ nào cả đất nước này hệ thống báo chí nước ta cũng đều phản trắc như vậy trừ tờ báo của anh? Họ đã không hề bênh vực Kadhafi một lời khi anh ta thất thế hoặc có bênh vực nhưng chưa đủ, chưa trúng như anh?
Và cả nhà nước ta nữa, khi có những tờ báo như của anh đã nói rõ “Sự thật về Libya và Kadhafi” rồi mà vẫn công nhận “tay trùm  Hội đồng chuyển tiếp Quốc gia” của Libya, thì nhà nước ta đứng vào dạng nào? Có vô lương và phản bạn như anh nói không?
Đọc bài viết trên tờ báo của anh, tìm hiểu mãi nguyên nhân tình trạng anh Kadhafi kính mến thấy xót xa mà không hiểu nổi một con người như vậy sao bị nhân dân lật đổ không thương tiếc để lâm vào cảnh không nơi ẩn nấp.
Nhưng đến câu này thì tôi hiểu được một phần: “Đó là một kiểu xã hội về nhiều phương diện rất giống với chủ nghĩa cộng sản”. Đọc đến câu này, người bình thường máu lạnh nhất cũng phải rùng mình và có lẽ cuối cùng, thì anh cũng phải công nhận người dân Libya sáng suốt hơn chúng ta.
Bây giờ, Kadhafi đã đến tình trạng không nơi ẩn nấp, anh Nguyễn Như Phong ơi. Là người quân tử, có nghĩa có tình lại có thế lực, anh nên có đề nghị nhà nước ta mời anh Kadhafi sang đây để người dân Việt Nam được hưởng một phần những sự tốt đẹp mà anh Kadhafi có thể đưa lại, để có thể giúp đưa Việt Nam nhanh chóng theo mô hình Libya.
Hà Nội, ngày 22/9/2011
  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

Chuyện của blogger Beo và con “trym” yêu thương


-
Trên mạng bây giờ nổi lên có một vài cái blogs lề phải của mấy đồng chí Hồng Vệ Binh thuộc dạng có tiếng tăm mà nhiều người biết đến, cũng có lẽ vì cái “mùi” của các blogs đó hơi bị nặng, bởi vậy nên mỗi khi người ta so sánh sự u mê của mấy blogger lề phải với tư tưởng chủ đạo theo khẩu hiệu “ta nhất định thắng còn địch thì nhất định thua”  hay “Cò đảng thì còn tiền” thì tôi tin rằng chắc chắn người ta lấy blogger Beo – Hồ Thu Hồng, Tổng biên tập báo Thể thao TP HCM  và blogger  đại úy Nguyễn Văn Minh phóng viên báo Quân đội Nhân dân … ra làm dẫn chứng.
.
Tất nhiên đối với cá nhân tôi, một người sinh ra, lớn lên, được giáo dục và trưởng thành trong chế độ độc tài cộng sản nhưng tôi đã hiểu, biết và luôn  tạo cho mình một ý thức  phải suy nghĩ trên tinh thần tôn trọng mọi suy nghĩ khác biệt của các cá nhân khác, do vậy thì chuyện người ta viết gì, nói gì hay ủng hộ ai hay ủng hộ xu hướng gì trên blog cá nhân là quyền của họ mà chúng ta phải có trách nhiệm phải tôn trọng. Đó là nguyên tắc của đa nguyên và tự do tư tưởng, điều này ngay cả những bạn bè của tôi hiện nay, những người ngày xưa sống khác chiến tuyến với cha anh của tôi nay họ có điều kiện sống ở các nước tự do dân chủ mà cũng còn không ít người không hiểu hết giá trị của nó để mà thực hiện trong vai trò của các members chúng ta thường thấy trên mạng internet. Điều này cho thấy việc cải tạo tư tưởng cho mỗi cá nhân người Việt bất kỳ họ sống ở đâu, trong xã hội tự do hay xã hội độc tài là một việc không hề đơn giản, nhất là khi tôi hay được nghe như người ta thường nói  “Bọn ngu thì bao giờ cũng đông!”, câu này bạn hãy ngẫm xem đúng hay sai?
.
Trên blog Tin tức hàng ngày của tôi và một số trí thức khác luôn lấy tư tưởng này làm trọng cùng với chủ trương mang tới cho bạn đọc những thông tin không thiên lệch vì sự tiến bộ của Dân trí & Xã hội Việt Nam. Có nghĩa là  mọi thông tin hay, dở  bất kể nguồn gốc xuất xứ của báo lề trái hay lề phải mà thấy rằng bạn đọc sẽ quan tâm là chúng tôi cho đăng tải để chia sẻ cùng bạn đọc. Làm báo nhưng chúng tôi sẽ không  muốn định hướng cho độc giả,  vì đơn giản như thế là coi thường bạn đọc, do vậy chúng tôi muốn độc giả đọc và  tự rút ra đúc kết của mình qua mỗi mẩu tin hay bài viết. Tuy nhiên trên thực tế, cũng có không ít không ít ý kiến của các thành viên trong Ban Biên tập, Admin hay một số bạn đọc không ủng hộ quan điểm này. Họ muốn bạn đọc chỉ xem thông tin chống cộng một chiều như bao nhiêu các báo hay blog lề trái khác. Tôi thì luôn luôn phản đối với lý do  rất đơn giản là nếu làm như vậy thử hỏi khác gì cách báo chí của chính quyền Việt nam  đang làm hiện nay?
.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng trong một lần gặp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak.
.
Vì lẽ đó những bài viết của blogger Beo – Hồ Thu Hồng và đ/c đại úy Nguyễn Văn Minh – Báo Quân đội Nhân dân là những món ăn tinh thần thuộc dạng đặc sản. Hầu hết bạn đọc trên trang Tin tức Hàng ngày của chúng tôi khi họ thấy tên tác giả là hai blogger nói trên là họ lăn xả vào ngay để đọc và … kèm theo commets để rủa xả.  Riêng với tôi thì  thấy những blogger này họ có biệt tài, tuy mình biết  mánh của họ nhưng mà tôi không dám bắt chước, vì lương tâm không cho phép mình làm những điều xuyên tạc, bịa đặt như họ. Đã đành là nhà báo thì sống bằng nghề cầm bút, viết bài thì có nhuận bút để bù đắp cho sự lao động bằng trí tuệ, ai cũng vậy và xã hội nào cũng thế.  Nhưng nó chỉ khác ở chỗ một bên thì được tự do viết những gì mình nghĩ, người khác nghĩ và giữ đúng lương tâm của kẻ cầm bút, một bên thì hoàn toàn ngược lại.
Đại úy Nguyễn Văn Minh – Báo Quân đội Nhân dân cũng nằm trong số  thứ hai như mọi nhà báo xã hội chủ nghĩa khác, nhà báo của đảng thì phải viết nâng bi cho đảng, đảng ta ủng hộ Chủ nghĩa Xã hội và chống dân (làm) chủ thì họ cũng phải hùa theo viết bài chống dân chủ.  Do vậy có trách họ cũng chẳng được, vì chuyện bát cơm manh áo thì khó nói lắm. Cũng có lẽ do họ bị nhồi sọ quá lâu và quá nhiều nên đến nay họ còn chưa biết rằng cái phe xã hội chủ nghĩa  ấy giờ chỉ còn có vài ba nước lèo tèo còn lại mà thôi, thành tích về các quyền tự do của con người thì  luôn luôn đội sổ. Về đối ngoại chính họ lại không đoàn kết, về đối nội thì áp dụng một thể chế chính trị chuyên chế, độc tài, khiến cho thế giới chẳng ai ưa. Khi mà bất công xã hội ngày càng gia tăng một đằng thì quan chức tham ô , nhũng nhiễu, đạo đức tha hóa suy đồi, còn đằng khác số đông dân chúng thì nghèo khổ, kiếm ăn từng bữa, cơm chẳng đủ no. Những suy nghĩ như trên là của tuyệt đại đa số người dân trong nước không biết hoặc số người biết cũng rất ít.
Blogger Beo – Hồ Thu Hồng
.
Nhưng đối với Blogger Beo – Hồ Thu Hồng thì bà ta  thừa biết chuyện đó, nhưng biết lại giả như không biết mới là điều hết sức nguy hiểm theo kiểu cái lối ca ngợi (chứ không phải ngậm miệng ) để ăn tiền, nên nhớ blogger Beo viết  blog không vì tiền nhuận bút để sống mà viết blog để chơi, để thể hiện đẳng cấp, để chọc ngoáy người khác cho vui , bởi vì tiền của Beo nhiều thì có anh dzai viện trợ nhiều như quân Nguyên. Điều đó dễ dàng thấy trong các bài biết của blogger Beo, văn chương thì cố tình ấm ớ hội tề , nội dung thì diễu cợt (anh Chí Phèo gọi bằng cụ) chả biết sợ bố con thằng nào. Quốc hội cơ quan quyền lực cao nhất của nước CH XHCN Việt nam thì Beo gọi là Cuốc hội thì đã khiếp chưa? Sở dĩ nói Beo không viết vì tiền nhuận bút để sống mà viết blog để chơi vì ai ai cũng biết Beo đang là gái bao  của một vị tướng công an. Chả thế mà các phiên tòa xét xử các vụ án chính trị quan trọng thì bao giờ người ta cũng thấy Beo hiện diện, chắc không biết có phải Beo đến để lo lấy tư liệu cho vấn đề thể dục thể thao của mấy bị can? Đó là chưa nói đến chuyện Beo biết nhiều thông tin bí mật của vị tướng kia bật mí cho, nhất là Beo đã từng viết trên blog cá nhân nói Kami là người của đảng Việt tân hoạt động ở Thái lan, là kẻ chỉ điểm cho An ninh Việt nam bắt anh Lê Công Định :D . Con người ta là thế, cứ tưởng mình là gái bao của ông nọ ông kia thì sẽ đương nhiên là bà nọ bà kia,  vì thế cũng phải chịu khó hóng hớt moi tin của anh dzai để giải quyết khâu oai, phải có cái mà thể hiện vời bạn bè, không có thì sợ quê một cục (không có chóp). Ngược lại anh dzai kia cũng thế, cũng phải nói làm phách cho nó oai tỏ ra cái gì mình cũng biết. Cuối cùng là chuyện của một đôi mèo mả gà đồng, buôn chuyện cho vui.
Chuyện đời tư của Beo thì nhiều người đã viết, như bà Dương Thu Hương, blogger Người Buôn Gió, blogger Trềnh A Sáng  …, vâng nhiều lắm không kể xiết vì dù sao Beo cũng là người nổi tiếng. Ai muốn tìm hiểu xin cứ dùng công cụ tìm kiếm của Google mà search Hồ Thu Hồng thì ra cả đống các bài viết về chiến tích oanh liệt của chi ta.  Xin trích một đoạn trong “Thư ngỏ” của nhà văn Dương Thu Hương viết về blogger Beo (trích) “Tôi không cho cô Hồng là một trí thức đích thực, bởi có cố gán cho cô ta chức danh ấy cũng chẳng ai tin, nhưng sự thực là cô Hồng đang giữ chức tổng biên tập của tờ báo Thể Thao TpHCM, vậy thì muốn hay không cô Hồng cũng được xếp vào hạng tinh hoa xã hội. Cứ cho rằng cái ghế này cô có được là nhờ uy lực của tình nhân Nguyễn Văn Hưởng tức Trần, nhưng bấy lâu nay thiên hạ vẫn chấp nhận vị trí này theo cách chính danh, vậy qua đó, liệu ta có thể nhận thức được chất lượng xã hội hay không?

Hồ Thu Hồng là gái bao. Gái bao và gái điếm là nghề bán dâm, hoặc theo thời hạn dài, hoặc theo từng cú. Theo lẽ thường, đã hành nghề này thì phải náu mình trong bóng tối, bởi kẻ mua dâm có một gia đình với tất cả các mối liên hệ chằng chéo xung quanh nó. Y có một người vợ mà y không thể bỏ, bởi bà ta là những cơn si mê ân ái đầu đời, người đã chia xẻ với y những ngày cơm rau muối và là mẹ của những đứa con y, y có những đứa con và những đứa này sẽ phải lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Không một ai muốn thấy chồng mình, bố mình, ông nội hay ông ngoại mình chường mặt ra ở nơi nhà thổ, bởi hình ảnh đó sẽ gieo những tổn thất không thể cứu vãn.

Vì những lý do cổ truyền ấy mà ngay ở nơi tự do tình ái có thể trượt quá đà như nước Pháp, cũng chẳng có một thứ gái bao nào kêu ổng ổng lên khoe khoang “chiến lợi phẩm” như cô Hồ Thu Hồng. Sự khoe khoang này chỉ có thể xảy ra do hai duyên cớ:

- Hoặc một sự vô liêm sỉ ngoại hạng, ca tối ư đặc biệt.

- Hoặc một bộ não vô năng mà sự vận hành hoàn toàn tuân theo chỉ thị của cái dạ dày và phần dưới rốn. Tôi định nghĩa vắn tắt hơn: suy nghĩ bằng dạ dày và hai quả cật.
.
Tôi thì cũng chả quan tâm đến dạng người như thế, người ta  bây giờ có câu đại ý là đừng tin chuyện của ca – ve, đừng nghe chuyện mấy thằng nghiện hút. Với tôi chuyện Beo viết trên blog cá nhân của  bà ta cũng thuộc dạng  đại loại như vậy không hơn mà cũng chẳng kém và kể cả những lời trong bài viết của bà Dương thu Hương thì tôi cũng nghĩ đó là chuyện của đàn bà với nhau, mình đàn ông không nên xen vào.
.
Nhưng hôm nay được đọc bài Blogger Beo – Tướng Hưởng, Wikileak và các ông Mỹ của Beo viết trên blog cá nhân tự nhiên thấy lạ và hình như có cái chi đó không ổn cho lắm, nên cũng tham gia có  một vài ý kiến.  Vì bài viết  này khác hoàn toàn với những bài trước kia của Beo mà độc giả thường thấy trên blog Beo, lần này thì hình như nó có cái gì hơi bị nghiêm túc  thì phải, có lẽ do tình thế của anh dzai bây giờ đã khác trước ? Bài viết  nói trên có nội dung đại ý Beo biện minh để bênh cho anh dzai của mình là đồng chí  thượng tướng công an mục đích để thấy sự xảo trá đến hài hước của bọn Mỹ thế lực thù địch, nơi hai đứa con của Beo đang sinh sống và học tập , trong bài có đọa viết “Wikileak tiết lộ 2 bức điện đánh đi từ sứ quán Mỹ tại Hà Nội, báo cáo nội dung làm việc giữa Tướng Hưởng và phái đoàn Mỹ về Bộ Ngoại giao. Beo sẽ đăng nguyên văn hai bức điện và ngay sau đó là xả băng, cũng nguyên văn, toàn bộ cuộc đối thoại để thấy  , và chắc chắn không riêng gì ngoại giao Mỹ“.
Mà theo Beo cho biết, anh dzai của mình là một người (trích) “Tốt nghiệp tiến sĩ luật, tướng Hưởng có một thời gian rất dài được đào tạo và chinh chiến ở ngoài nước trước khi về nắm cục Mỹ (gọi tắt thế cho dễ nhớ) đầu những năm 90, thế kỉ trước. Thế nên ông có mặt, dĩ nhiên phía sau hậu trường, gần như xuyên suốt toàn bộ quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, từ thuyết phục Mỹ bỏ cấm vận Việt, thuyết phục …Việt kí kết WTO cho tới bây giờ, khi ông rời bộ Công an sang giữ chức phái viên Thủ tướng. Hơn 10 năm trở lại đây, tất cả các quan chức ngành ngoại giao Mỹ (ngang cấp) khi vào Việt Nam đều đề đạt yêu cầu được gặp riêng ông“.
Riêng với ông tướng công an, anh dzai của Beo trình độ thấp hay cao, có đáng để phía Mỹ đánh giá thâp hay không thì xin bạn đọc đọc thêm bài phản biện của tôi sau khi ông ta có bài viết “Hãy hiểu đúng về Nhân quyền ở Việt nam” về vấn đề nhân quyền đăng trên Tạp chí Nhân quyền Việt nam số đầu để kết luận. Nếu ông tướng công an kia viết cho xong nhiệm vụ hòng xuyên tạc sự thật về khái niệm nhân quyền với mục đích ngu dân thì không có gì đáng nói, còn nếu thực sự hiểu biết của ông ta về vấn đề quyền con người như vậy thì tôi nghĩ khi nghỉ hưu nên thu xếp cho ông ta sang nghỉ dưỡng già ở nước Đại Ngu thì có lẽ thích hợp nhất.
Đành rằng vị tướng (anh dzai) kia đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vẫn còn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quan tâm giữ lại làm vai trò Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề An ninh Tôn giáo. Trường hợp này, nếu lấy câu “Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại” ra để suy thì cũng khó đoán ai là người dại, ai là người khôn? Chắc không ai dám bảo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thằng không khôn, kể cả Thủ tướng Dũng ít học, cho dù đó là sự thật hiển nhiên đi chăng nữa (!?). Để khẳng định thì xin bạn đọc đọc bài này của BBC đăng gần đây với tiêu đề “Wikileaks – Hoa kỳ:  ‘Chê Tướng Hưởng khen Tướng Tô Lâm“, nội dung có đoạn (trích) “Điện tín rò rỉ từ Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đánh giá thấp hiểu biết của Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng về Hoa Kỳ khi còn tại chức nhưng tỏ ra khen ngợi một vị tướng khác, hiện là thứ trưởng công an.
Thế mới biết các cụ nói câu gì cũng cấm có sai, đó là câu “Xấu chàng thì hổ ai”, nên chuyện  tự nhiên thấy Beo mang chuyện riêng tư của anh dzai mình ra thanh minh thanh nga trên blog cá nhân của mình thì cũng chẳng có gì là lạ. Chỉ tiếc một điều cho Beo, là  Beo không biết lý do rằng trước đây khi anh dzai còn tại chức, quyền lực đầy mình hét ra lửa, cho đứa nào sống thì sống, bắt chết là phải chết, một chữ ký của anh dzai có giá cả trăm ngàn đô la Mỹ và chuyện Beo nói rằng hơn 10 năm trở lại đây, tất cả các quan chức ngành ngoại giao Mỹ (ngang cấp) khi vào Việt Nam đều đề đạt yêu cầu được gặp riêng ông anh dzai của Beo là do đâu. Do anh dzai của Beo tài giỏi thực sự hay là do chỉ vì anh dzai của Beo có chức có quyền?
Một điều buồn cười không thể không nói ra, đó là khi blogger Beo đã cho xả một cuốn băng ghi âm, mà theo Beo băng ghi âm này là bằng chứng để cho thấy để thấy sự xảo trá đến hài hước của nhành ngoại giao Mỹ của nhà báo Nguyễn Như Phong,  nguyên phó TBT Báo Công an Nhân dân hiện là Tổng biên tập báo Năng lượng mới (Ptrotimes), một ông “cuội” nổi tiếng  trong chuyện đổi trắng thay đen trong làng báo với bài viết Sự thật về Libya và Gadhafi gần đây nhất mà dân cư mạng ai mà không biết.  Trong khi Gadhafi một kẻ độc tài sắp thành thây ma, vừa bị dân chúng nổi dậy lật đổ  báo chí nhà nước ta phải thừa nhận  “Kadhafi sắp hết nơi ấn náu” , Liên hiệp quốc thì đã phế bỏ, phía Việt nam  cũng đã chính thức công nhận nhà nước Libya mới của TNC và bằng chứng trên báo Thanh niên cho thấy sự thật về Libya và Gadhafi là “Tìm thấy 1.270 hài cốt tù nhân ở Libya “ bị giết hại bởi chế độ của ông Gaddafi trong một vụ thảm sát nhà tù năm 1996″. Thì ông Nguyễn Như Phong trong bài viết trên vẫn cho rằng “Kadhafi ở trong trái tim của hầu hết mọi người dân châu Phi như một con người độ lượng và giàu tinh thần nhân văn..“. Cũng có lẽ Beo lo nghĩ nhiều vì anh dzai hết chức hết quyền thì nồi cơm của nhà Beo cũng bị ảnh hưởng nên đã lú mất rồi, chắc hẳn Beo còn chưa quên việc Báo Hà nội mới  tiếng nói của đảng bộ Hà nội còn trâng tráo cắt xén lời nói của  Tổng Giám mục Hà nội Ngô Quang Kiệt,  thì cái loại bằng chứng của Beo đưa ra chắc chỉ có ai điên thì mới đi tin.  Mà nguyên tắc của người làm báo là trăm nghe không bằng một thấy, để thuyết phục cho cái băng ghi âm kia là có thật hay không, sao blogger Beo không cho một cái nguồn audio để bạn đọc họ nghe để kiểm chứng? Là Tổng Biên tập một tờ báo sao Beo không hiểu nguyên tắc tối thiểu đó của người làm báo?
.
Một điều nữa chắc chắn Beo thừa biết và đã tới mức Beo phải dùng cái blog cá nhân của quần chúng để thanh minh, thanh nga cho anh dzai, một đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, UVTW đảng và là người đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định xử những nhân vật đấu tranh dân chủ hoặc vận động nhân quyền ở Việt nam. Không biết có phải là trong lúc chính quyền nhà nước ta có tới hơn 700 tờ báo hình, tiếng, giấy, online sao chả thấy báo nào, ngay cả mấy tay thuộc hạ cũ như Hữu Ước – Báo CAND,  Đào Lê Bình – Báo ANTĐ, Nguyễn Như Phong – Petrotimes cũng chả thấy cựa quậy lên tiếng để bênh thủ trưởng cũ của ngành mình. Vậy có bao giờ Beo tự hỏi mình và anh dzai của mình giỏi thật hay dốt thật hay không? Hay là vì giờ đây anh dzai của Beo đã hết vị, chẳng ma nào nó thèm ngó để rồi tiếp theo rơi vào cảnh như người ta thường nói “Còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi”? Hơn nữa chắc là anh dzai của Beo dốt thật giờ không chức, không quyền tiền thì không chịu chi thì ma nào nó quan tâm, hơn nữa bọn đàn em giờ cũng khốn nạn như sếp của chúng, nghe thấy thủ trưởng cũ bị  các thế lực thù địch họ chê dốt nó cũng cười và rủa thầm trong bụng chúng nó hai chữ đáng đời.
Còn nữa, chuyện của ngoại giao nó là thế, hình như cụ Nguyễn Du trong chuyện Kiều có câu “Bề ngoài thơn thớt nói cưới./ Bề trong nham hiểm giết người không dao” trong trường hợp  công việc đối ngoại của anh dzai Beo cũng đáng suy nghĩ lắm chứ? Chuyện bình thường mà sao phải gọi thế là sự xảo trá đến hài hước của ngành ngoại giao? Tại sao một người hơn 50 mùa lá rụng và là Tổng Biên tập một tờ báo của Nhà (máy) nước lại có thể ngây ngô đến như vậy?
Thời thế của Beo đã chuyển sang một ngưỡng mới, có lẽ bây giờ đã tới lúc clàm cho Beo mở mắt để thấy rõ lũ người người ăn ở bạc bẽo, khi người ta còn chức còn quyền thì chúng nó nịnh bợ, tử tế đến khi không còn chức quyền nữa thì đối xử không ra gì, thờ ơ lạnh lùng coi như không quen biết. Đã tới lúc Beo và anh dzai của Beo sẽ bước sang một trang mới, khi đương chức đương quyền thì anh dzai của Beo thi nhau “xúc”, Beo  thì vỗ tay để cổ vũ động viên khi anh dzai vơ vét. Giờ tới lúc hết chức hết quyền, hết bổng lộc thì  cả đôi sẽ quay sang trở thành “bức xúc”. Cứ cái đà này hết chức, hết quyền, hết tiền thì từ bức xúc rồi ra nhập đội ngũ bọn rân chủ như Beo thường mai mỉa họ trên blog chả còn mấy bước.
Chuyện này lại làm cho mình nghĩ thương hại cho anh dzai của Beo lúc ngã ngựa. Để kết thúc bài viết, lấy ý của một comment của một bạn đọc trên trang TTHN khi phát hiện ra rằng bài thanh minh của blogger Beo đã thế còn chậm hơn 18 ngày sau khi Wikileaks công bố, chắc là Beo phải hội ý & lĩnh hội chỉ thị  của anh dzai để kiểm duyệt trước rồi mới công bố hòng trấn an dư luận và gỡ gạc cái danh dự của thời quá khứ?.
Hu.hu…, đúng là quả báo và ông giời có mắt!
Hà nội, ngày 25 tháng 9 năm 2011